Có phải bạn cảm thấy khó khăn khi phải tập trung cho việc học? Đừng lo – việc này cũng xảy ra với những học sinh – sinh viên xuất sắc nhất. Để tập trung cho việc học, bạn chỉ cần điều chỉnh thói quen học tập, học ở nơi yên tĩnh không bị quấy rầy bởi những tiếng động bên ngoài, thử phương pháp mới hoặc lên kế hoạch học tập thực sự hiệu quả và cho phép tâm trí của bạn được thư giãn mỗi khi cần. Hãy thử trải nghiệm đến khi bạn tìm được cách phù hợp với mình. Bằng việc áp dụng đúng phương pháp, bạn sẽ dễ dàng tập trung hơn.
1. Duy trì sự tập trung
1. Lập thời gian biểu
Nếu bạn sắp phải học suốt cả đêm, hãy lên kế hoạch cho việc học. Dành 5-10 phút nghỉ ngơi sau mỗi 30-60 phút học tập. Não của bạn cần được thư giãn để nạp lại năng lượng. Đó không phải là sự lười biếng mà là thời gian để não tổng hợp thông tin.
Cố gắng chuyển đổi môn học sau mỗi giờ học để bạn không cảm thấy chán và não không bị bão hòa. Khi dành quá nhiều thời gian cho một môn, não của bạn sẽ dần mất đi sự năng nổ. Bằng việc chuyển sang một môn học mới, bạn sẽ đánh thức bộ não và cảm thấy có thêm động lực
2. Dành ra một khoảng thời gian để lo lắng hoặc suy nghĩ về những thứ khác.
Đôi khi, việc tập trung học trở nên khó khăn vì những điều vụn vặt trong cuộc sống – cả tốt lẫn xấu liên tục xâm chiếm tâm trí của chúng ta. Chúng ta thường cảm thấy như không thể kiểm soát suy nghĩ của mình, nhưng trên thực tế thì đó là việc mà ta có thể làm được. Hãy nói với bản thân rằng bạn sẽ nghĩ về vấn đề đó hoặc chàng trai hay cô gái đó sau khi học xong. Bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn khi biết một lúc sau mình có thể nghĩ về điều đó. Và khi thời điểm đến, có thể bạn sẽ không còn muốn nghĩ đến vấn đề đó nữa.
Nếu bạn thấy tâm trí bắt đầu miên man với những suy nghĩ, hãy dừng việc này ngay lập tức. Dành một giây để rũ bỏ mọi thứ và trở lại với việc học. Bạn là người điều khiển suy nghĩ của mình. Bạn để suy nghĩ xuất hiện thì bạn cũng có làm cho chúng biến mất!
Chuẩn bị sẵn bút và giấy để viết lại mọi suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí của bạn khi đang học. Hãy làm hoặc nghĩ về những thứ đó trong lúc giải lao.
3. Thay đổi phương pháp học.
Ví dụ, bạn vừa đọc xong 20 trang giáo trình. Đọc tiếp 20 trang của quyển giáo trình khác sẽ là không khôn ngoan. Thay vào đó, bạn nên thử trả lời câu hỏi trắc nghiệm với một vài mẩu giấy thông tin, vẽ biểu đồ để nhớ các số liệu kinh tế, nghe tiếng Pháp, hoặc nghiên cứu điều gì đó đòi hỏi bạn phải phát huy các kỹ năng khác và vận dụng những phần khác của não bộ. Như vậy, chắc chắn bạn sẽ hào hứng hơn với việc học.
Ngoài ra, não bộ cũng không gặp khó khăn trong tư duy. Việc chuyển đổi các kỹ năng sẽ giúp não xử lý thông tin nhanh hơn và nhớ lâu hơn. Bạn sẽ thấy thời gian trôi nhanh hơn và khả năng ghi nhớ cũng tốt hơn. Hãy thử và cảm nhận sự khác biệt!
4. Tự thưởng cho bản thân
5. Xem lại bài học
6. Học một cách chủ động
Một điều mà tất cả giáo viên đều biết nhưng hiếm khi nói với bạn là: việc đọc giáo trình sẽ rất chán, đặc biệt khi đó là chủ đề mà bạn không thích. Để việc học hiệu quả hơn và giúp bạn tập trung dễ dàng hơn, hãy dùng các phương pháp đọc chủ động. Việc này giúp bạn tránh tình trạng suy nghĩ mất tập trung và đảm bảo duy trì kết quả học tập tốt. Sau đây là một số gợi ý:
- Đặt câu hỏi cho bản thân trong khi đọc.
- Đóng sách lại và nói to phần tóm tắt nội dung bạn vừa đọc.
7. Ghi chú khái niệm, nhân vật, cốt truyện hoặc sự kiện được mô tả
Dùng càng ít từ ngữ càng tốt và đưa ra ví dụ vắn tắt để diễn tả những gì bạn muốn nói. Bạn có thể viết tắt trong khi ghi chú. Ngoài ra, bạn nên ghi lại số trang, tiêu đề và tác giả của quyển sách phòng trường hợp bạn cần bổ sung cho mục tham khảo hoặc lý do khác.
Tạo bảng câu hỏi trắc nghiệm trong phần ghi chú và sử dụng để kiểm tra kiến thức cũng như ôn tập.
8. Truy cập mạng Internet và trở lại việc học ngay khi hết giờ giải lao
Hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian giải lao của bạn. Bạn có thể vào Facebook, mở điện thoại và kiểm tra tin nhắn hoặc cuộc gọi nhỡ. Đừng dành thời gian trả lời tin nhắn hoặc cuộc gọi trong lúc đó, trừ khi có việc khẩn cấp. Hãy thực hiện các hoạt động thư giãn yêu thích của bạn nhưng chỉ trong vài phút. Sau khi hết thời gian giải lao, bạn phải dừng mọi hoạt động thư giãn và trở lại với việc học. Bạn sẽ cảm thấy sảng khoái hơn sau khi được “sạc pin” và “kết nối”, dù chỉ là vài phút.
Khoảng thời gian nạp năng lượng ngắn ngủi này sẽ rất hữu ích cho khả năng tập trung của bạn. Có lẽ bạn nghĩ rằng việc này gây mất tập trung và làm gián đoạn cảm hứng học tập, nhưng cuối cùng thì bạn sẽ hoàn thành mọi việc hiệu quả hơn. Kết quả sẽ là như thế nếu bạn sử dụng thời gian nghỉ ngơi một cách thông minh.
2.Tạo môi trường hoàn hảo cho sự tập trung
1. Chọn địa điểm thích hợp
Đó phải là một nơi yên tĩnh với môi trường thích hợp cho việc học. Bất kể đó là phòng riêng hay thư viện, bạn hãy chọn nơi có không gian yên tĩnh và không có yếu tố gây xao lãng để có thể tập trung. Bạn nên tránh xa tivi, thú cưng và bất kỳ thứ gì gây mất tập trung. Ngoài ra, bạn cũng cần một chiếc ghế thoải mái và ánh sáng tốt. Không nên ngồi ở tư thế gây mỏi lưng, mỏi cổ hoặc mỏi mắt vì sự nhức mỏi cũng khiến bạn mất tập trung.
Ví dụ, đừng ngồi học trước tivi; bạn sẽ chỉ làm bài tập trong lúc quảng cáo. Chỉ “liếc nhìn” tivi hoặc nghe radio trong ít phút giải lao – tương tự như lúc bạn đi lấy nước hoặc “thay đổi không khí” trong chốc lát.
Ngồi học ngay ngắn tại bàn học. Đừng học trên giường, trừ khi bạn ngồi ngay ngắn đọc sách mà không đắp chăn và bật đèn đọc sách đặt ngay bên cạnh. Lưu ý, không nên đắp chăn đọc sách vì bạn sẽ chìm vào giấc ngủ. Hơn nữa, bạn sẽ kết nối chiếc giường với việc học và chắc chắn đó là điều mà bạn cần tránh.
Chiếc bàn đứng sẽ tăng hiệu quả tập trung (và đứng cũng tốt cho sức khỏe hơn so với tư thế ngồi).
2. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập
Các loại bút chì, bút mực, bút đánh dấu và sách nên được đặt trong tầm với để bạn không bị xao lãng trong khi học. Sắp xếp lại bàn học nếu cần để bạn không bị phân tâm bởi sự bừa bộn. Không nên để bất kỳ lý do gì khiến bạn phải rời bàn học và gây gián đoạn “cảm hứng học tập.”
Kể cả khi không chắc bạn cần thứ gì, hãy chuẩn bị đầy đủ mọi thứ ở “nơi học tập”. Tất cả sách vở và tài liệu mà bạn cần (đừng quên đề cương) nên được đặt trong tầm với của bạn. Đây được xem như là sự chuẩn bị cho thành công. Sử dụng laptop nếu cần thiết cho việc học; nếu không thì bạn nên đặt laptop ở nơi khác.
3. Chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ
Hãy chọn thực phẩm mà bạn có thể ăn nhiều lần như một ít hạt, quả việt quất/dâu tây, 1/4 quả táo hoặc bẻ một mẩu sô-cô-la đen. Chuẩn bị thêm nước – bạn không nên uống quá nhiều cà phê, trà có caffeine hoặc các loại nước tăng lực (vì bạn sẽ thức suốt đêm). Các loại thức uống kể trên sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng mệt mỏi đến mức việc cấu véo và vỗ vào mặt cũng không khiến bạn tỉnh táo.
Bạn muốn tìm “thực phẩm giàu dinh dưỡng”? Nghiên cứu cho biết quả việt quất, rau chân vịt, bí hồ lô, súp lơ xanh, sô-cô-la đen và cá đều là thực phẩm bổ não có thể giúp bạn học tập hiệu quả hơn.
4. Viết ra mục tiêu học tập
Bạn muốn (hoặc cần) đạt được điều gì trong hôm nay? Bạn nên làm gì để có thể bước đi trong tâm thế đã hoàn thành mọi việc cần làm? Đây là các mục tiêu giúp bạn tập trung vào việc nên làm trong buổi học.
Đảm bảo đó là những việc khả thi. Nếu phải đọc 100 trang giáo trình trong tuần này, bạn nên đọc 20 trang mỗi ngày – đừng cố gắng đọc nhiều hơn mức bạn có thể tiếp thu. Bạn cũng cần lưu ý giới hạn thời gian. Nếu tối nay bạn chỉ có một giờ rảnh, hãy hoàn thành việc quan trọng nhất.
5. Tắt điện thoại và các thiết bị điện tử
Đây là cách giúp bạn tránh việc trì hoãn và tập trung vào kế hoạch của mình. Chỉ sử dụng máy tính nếu cần thiết cho việc học; nếu không thì đây sẽ là yếu tố gây xao lãng. Tương tự như với điện thoại – hãy chuyển sang chế độ máy bay trừ khi bạn cần sử dụng cho trường hợp khẩn cấp.
Một số trang web và phần mềm như SelfRestraint, SelfControl và Think có thể giúp bạn tránh xa các trang web và phần mềm có sức “cám dỗ” cao. Bạn cần hiểu bản thân để biết có nên chặn Facebook trong vài giờ tiếp theo hay không. Đừng lo – bạn vẫn có thể sử dụng Facebook ngay sau đó.
6. Thử mở nhạc nhẹ
Đối với một số người, âm nhạc giúp họ tập trung nhưng với khác thì không. Hãy thử để biết điều gì thích hợp nhất với bạn. Một chút nhạc nền có thể khiến bạn quên mất là mình đang miệt mài học thay vì đi chơi.
Lưu ý rằng loại nhạc giúp bạn tập trung học tập có thể không phải là loại nhạc mà bạn vẫn yêu thích. Thường thì việc nghe thể loại nhạc bạn không biết sẽ tốt hơn, vì khi nhận ra một bài hát quen thuộc, bạn sẽ có xu hướng nghĩ đến bản nhạc đó và thậm chí là hát theo. Hãy thử nghe các thể loại nhạc khác nhau để tìm ra loại nhạc yêu thích của bạn nhưng phải dễ nghe và không khiến bạn mất tập trung.
Thử dùng ứng dụng tạo âm thanh tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng mưa, tiếng suối chảy róc rách hoặc các âm thanh dễ chịu khác giúp bạn tập trung học. Bạn có thể tìm được nhiều ứng dụng miễn phí trên mạng.
3. Để tập trung dễ dàng hơn
1. Lắng nghe cơ thể của bạn
Trên thực thế thì mỗi ngày chúng ta đều có những giai đoạn tràn trề năng lượng và cạn kiệt năng lượng. Vậy thì những giai đoạn này của bạn xảy ra khi nào? Nếu có thể, bạn nên tập trung học vào lúc có nhiều năng lượng. Như vậy, bạn sẽ tập trung tốt hơn và ghi nhớ kiến thức đã được não bộ tiếp thu. Các khoảng thời gian còn lại sẽ rất khó khăn cho việc học.
Đối với một số người, buổi sáng sớm là khi họ có nhiều năng lượng nhất trong ngày. Với số khác thì họ sẽ năng nổ hơn vào ban đêm sau khi được nạp năng lượng trong một khoảng thời gian. Bất kể bạn rơi vào nhóm nào, hãy lắng nghe cơ thể của mình và học tập trong khoảng thời gian thích hợp.
2. Ngủ đủ giấc
Lợi ích của giấc ngủ nhiều vô số kể. Giấc ngủ không chỉ giúp cơ thể điều tiết hóc-môn và tổng hợp thông tin mà còn tiếp thêm năng lượng giúp bạn sẵn sàng cho các thử thách của ngày mới. Trên thực tế, việc cố gắng tập trung trong khi vô cùng mệt mỏi cũng tương tự như việc tập trung khi say xỉn. Đây có thể là lý do khiến bạn không thể tập trung.
Hầu hết mọi người cần ngủ khoảng 7-9 tiếng mỗi đêm. Một số người có thể ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn. Bạn muốn ngủ bao nhiêu tiếng khi không cần phải đặt đồng hồ báo thức? Hãy ngủ đủ giấc theo nhu cầu của cơ thể bằng cách đi ngủ sớm hơn bình thường
3. Ăn uống lành mạnh
Sau tất cả thì bạn là kết quả của những gì bạn ăn; nếu bạn ăn uống lành mạnh, trí não của bạn cũng sẽ khỏe mạnh. Hãy đặt mục tiêu ăn các loại rau củ quả nhiều màu sắc, ngũ cốc nguyên cám, thịt nạc và sản phẩm từ sữa, các loại hạt (không phải khoai tây/bim bim được rán ngập dầu và kẹo gây tăng cân), và các chất béo tốt có trong sô-cô-la đen và dầu ô liu. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tiếp thêm năng lượng giúp bạn tập trung dễ dàng hơn.
Tránh các thức phẩm trắng như bánh mì trắng, khoai tây, bột mì, mỡ và đường. Chính các thực phẩm “chết” này và thức uống nhiều đường là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi trong lớp học và vào giờ học.
4. Kiểm soát suy nghĩ của bạn
Bạn chính là nguồn động lực của mình khi cần. Nếu thuyết phục bản thân rằng bạn có thể tập trung, bạn sẽ làm được điều đó. Hãy luôn tâm niệm những điều tích cực như: bạn có thể làm được và bạn sẽ làm được. Không điều gì có thể cản trở bạn, ngoại trừ bạn.
Thử nguyên tắc “thêm 5”. Hãy yêu cầu bản thân làm thêm 5 việc hoặc thêm 5 phút trước khi dừng lại. Sau khi hoàn tất những việc này, bạn sẽ tiếp tục thêm 5 việc khác. Việc chia nhỏ nhiệm vụ sẽ giúp ích cho những người chỉ có thể tập trung trong khoảng thời gian ngắn và giúp cho não bộ hoạt động lâu hơn.
5. Thực hiện những công việc kém thú vị trước
Trong khi còn sung sức, bạn có thể xử lý mọi việc với khả năng tập trung cao nhất. Vì vậy, bạn nên sớm thực hiện những việc cấp bách nhất và đòi hỏi chuyên môn trước khi chuyển sang những việc dễ dàng hơn (ít thử thách hơn) nhưng vẫn cần nỗ lực để hoàn thành. Nếu thực hiện những việc dễ dàng trước, bạn sẽ hướng suy nghĩ và cảm thấy áp lực về những việc khó khăn đang đợi mình phía trước, dẫn đến hiệu quả làm việc và khả năng tập trung thấp.
Tuy là vậy, bạn cần tránh sa lầy khi đọc sách, hoặc trở nên bế tắc và mất hết hy vọng khi gặp những vấn đề khó khăn và các câu hỏi trong bài luận. Đôi khi phần khó nhằn nhất của nhiệm vụ có thể tiêu tốn nhiều thời gian và chiếm hết toàn bộ thời gian mà bạn có. Do đó, bạn cần giới hạn thời gian và chủ động kiểm soát công việc để chuyển sang những việc dễ dàng hơn khi cần.
4. Tận dụng công nghệ trong học tập
1. Thử xem âm thanh sóng alpha có giúp bạn cải thiện sự chú ý, trí nhớ và khả năng tập trung trong học tập và các hoạt động khác hay không
Hãy tìm kiếm BiNaural Beat (Nhịp song âm) và sử dụng tai nghe để nghe loại âm thanh này. Nếu BiNaural Beat hiệu quả với bạn, đây sẽ là một công cụ thần kỳ!
Nghe âm thanh này trong khi học. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên nghe với âm lượng từ nhỏ đến vừa trong suốt buổi học. Như vậy, kể cả bạn có nghe trong thời gian dài cũng không gây hại gì.
2. Thực hiện theo các bước và lời khuyên giúp bạn tập trung
Khi được kết hợp với thời gian biểu hợp lý, chế độ dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi và bất kỳ thứ gì có ích cho việc học, trí nhớ của bạn sẽ được cải thiện. Học tập là một phần quan trọng của cuộc sống và việc học cách duy trì khả năng chú ý và tập trung là một kỹ năng sẽ theo bạn suốt đời.
3. Lắng nghe âm thanh xung quanh sau khi nghe BiNaural Beat.
Sau khi nghe loại âm thanh này khoảng vài tiếng, tai của bạn sẽ cần ít phút để thích nghi với âm thanh thông thường trong phòng. Việc bạn cảm thấy âm thanh xung quanh có phần khác biệt là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể gặp phải nhiều ảnh hưởng kỳ lạ do tác động của BiNaural Beat, nhưng với nhiều người thì đây là loại âm thanh hữu ích.
Cảm giác đau đầu trong 10-25 phút là điều bình thường vì não của bạn đang thích nghi với nhịp điệu. Nếu cơn đau không giảm sau 30 phút, tốt hơn hết bạn nên loại bỏ hoạt động này.
Bạn cũng có thể mở nhạc nền để âm thanh trở nên bắt tai hơn. Với sự kết hợp này, khả năng tập trung của bạn cũng tốt hơn.
Lời khuyên
- Nghĩ về việc bạn có thể đạt điểm cao nhất và bạn có thể làm được điều đó. Tạm thời gác lại mọi thứ và chỉ tập trung vào sách vở. Mặc dù vậy, bạn nên hiểu các nội dung trong sách thay vì chỉ nhồi nhét theo kiểu “học vẹt”.
- Đặt mục tiêu cho từng giai đoạn và cố gắng hoàn thành. Luôn nhớ rằng: “Bạn tin vào điều gì thì bạn sẽ đạt được điều đó”. Ước mơ (hy vọng) của bạn có thể biến thành sự thật bằng việc đặt mục tiêu và hoàn thành từng bước một (tốt nghiệp đại học, xây dựng sự nghiệp, lập gia đình). Hãy cứ mơ về tương lai của bạn!
- Chia nhiệm vụ cho từng ngày để bạn thấy mình có thể hoàn thành công việc trong khoảng thời gian đã định.
- Làm nổi bật những từ và câu quan trọng rồi xem lại nhiều lần để ghi nhớ lâu hơn. Đóng sách lại và đọc to nội dung cần nhớ hoặc viết ra giấy.
- Xây dựng thói quen học tập, chẳng hạn như đọc lại các ghi chú hoặc nội dung đã học trong giáo trình
- Lập thời gian biểu cho từng môn học. Thông thường, một số môn học sẽ có nhiều kiến thức hơn, nên bạn cần dành nhiều thời gian cho các môn này. Các môn dễ sẽ không chiếm nhiều thời gian.
- Nếu bạn không thể tập trung học ở nhà, nơi thích hợp nhất sẽ là thư viện. Nhiều người thường đến đó để học vì rất yên tĩnh!
- Luôn tự tin và trung thực!
- Tránh xa những thứ khiến bạn mất tập trung.
- Tắm trước khi học vì việc này giúp bạn cảm thấy thư giãn và sảng khoái.
- Đặt ra mục tiêu hoặc thử thách. Đây là cách giúp bạn tập trung và nỗ lực để đạt được mục tiêu. Hãy nói với bản thân “Được rồi, mình sẽ không để mắt đến điện thoại/máy tính và tập trung học khoảng 30 phút rồi thư giãn với điện thoại trong 10 phút trước khi tiếp tục học.” Bạn chỉ cần dành ra một khoảng thời gian hợp lý để tập trung học và cho phép bản thân được nghỉ ngơi giữa buổi học.
- Đảm bảo phòng học có ánh sáng tốt để giúp mắt tập trung một cách hiệu quả.