Hát ru là hình thức diễn xướng quen thuộc của Việt Nam, mang đậm chất quê hương, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là sự ngọt ngào không thể thiếu của tuổi ấu thơ, như ký ức mãi mãi đi theo mỗi người về những khoảnh khắc yên bình nhất trong vòng tay của mẹ.

Kênh nghệ thuật hân hạnh gửi tới quý độc giả những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, chan chứa niềm tin trong “Hát Ru Con Miền Bắc”, kết hợp cùng những bức tranh nổi tiếng, về tình mẫu tử của người mẹ Việt Nam xưa, ngõ hầu đưa độc giả về với một miền ký ức xa xôi nhưng tràn đầy yêu thương.

“Mẹ và em bé & Mẹ và em bé đang ngủ”
“Mẹ và em bé & Mẹ và em bé đang ngủ”. Chất liệu: tranh lụa. Họa sĩ: Mai Trung Thứ.

Hát ru là bài học giáo dục âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền cho con. Cùng lúc với dòng sữa ấm nuôi thân thể của con thì một làn điệu thi ca dân gian, một nét nhạc dân tộc được rót vào trong tiềm thức của bé.

Dân tộc Việt Nam có nhiều loại hình văn học nghệ thuật dân gian, bao gồm : huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, câu đố, truyện tiếu lâm, tuồng, hài, ca dao, hò, vè… mà trong đó Hát ru, hay còn gọi là “Hát ru em”, “Hò ru con” là hình thức diễn xướng mà bất cứ ở làng quê nào trên dải đất Việt Nam cũng có. Hát ru Việt Nam ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam có nét giống nhau, là thường dùng thể thơ lục bát, hoặc lục bát biến thể, với làn điệu nhẹ nhàng, lời ca thường đệm thêm nhiều ngữ âm không có nghĩa cụ thể. Chỗ khác nhau thể hiện ở trường độ, cao độ, về sắc thái âm điệu, tiếng đệm…Một số đoạn hát ru điển hình hay gặp, có thể kể ra làm ví dụ:

À ơi… Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em… à…ơi…

À ơi… Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò… à…ơi…

**

À ơi… Gánh vàng đi đổ sông Thương

Đêm ngày mơ tưởng đi mò sông Thương… à…ơi…

**

À ơi… Thằng cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha thời cắt cỏ trên giời

Mẹ thời phóng ngựa đi mời quan viên… à…ơi…

**

À ơi… Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ mẹ yêu lấy thầy… à…ơi…

**

À ơi… Bồng bồng cõng chồng đi chơi

Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng

Ai thương cho tôi mượn cái gầu sòng

Để tôi tát nước cho chồng tôi lên… à…ơi…

**

À ơi… Cái cò mà đi ăn đêm

Đầu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông thương ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xào nước đục đau lòng cò con… à…ơi

buc tranh: me va con
Bức họa: Mẹ và con Họa sĩ: Lê Phổ. Chất liệu: Tranh lụa.

Hát ru là hình thức diễn xướng quen thuộc của quê hương Việt Nam, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm biểu hiện những trạng thái tình cảm của người phụ nữ, mà các cháu bé trong tuổi thơ là đối tượng trực tiếp được hưởng thụ, thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, chan chứa niềm tin. Lực lượng biểu diễn của hát ru chưa bao giờ cạn qua chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam, các bà mẹ Việt Nam đã làm cho chúng trở thành một kho tàng văn học nghệ thuật bình dân sống động và trường tồn.

buc hoa: cai bong
Bức họa: “Cái bóng”. Hoa sĩ: Nguyễn Phan Chánh. Chất liệu: tranh lụa.

Clip tổng hợp các điệu hát ru con miền Bắc truyền thống rất hay từ xưa tới nay, mời quý độc giả cùng tham khảo và thưởng thức, ngõ hầu góp phần giữ gìn một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam ta.

Nghe lại những điệu ru con của ông bà mình từ ngày xưa có thể khiến cho trái tim chúng ta tan chảy, bồi hồi cảm xúc dâng trào, những dòng ký ức thuở ấu thơ như những thước phim hiện về, giúp tâm hồn chúng ta dịu lại, buông bỏ bớt những suy tính bon chen ngoài xã hội vốn đang rất xô bồ này…

Sưu tầm