Với lối vẽ nhanh và mang sự giản dị đặc trưng, vậy mà tranh ký họa vẫn có sức hấp dẫn rất đặc biệt, nhờ cái thần được ghi nhớ và thể hiện qua con mắt sắc sảo của người họa sĩ. Ẩn sau những tác phẩm ký họa ấy, còn là sự rung động đặc biệt của tác giả. Những cảm xúc buồn, tiếc nuối, những trải nghiệm sự đời được tác giả lưu lại chính thông qua những tác phẩm ký họa của mình.

Nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt nam qua thủ pháp ký họa điêu luyện của sinh viên trường Mỹ Nghệ – Gia Định, Sài Gòn 1 thế kỷ trước.(Ảnh: Hoasuongrong.org)

Tranh ký họa thể hiện các kiểu khăn trùm đầu và nón đội của phụ nữ Nam Kỳ thế kỷ trước. Hình ảnh nằm trong loạt ảnh đời sống ở Nam Bộ nằm trong ấn bản “Chuyên khảo về Đông Dương – Ấn bản của Trường Mỹ nghệ Gia Định”, xuất bản năm 1935.

Tác phẩm ký họa: Góc phố. (Ảnh:zidean.com)

Ký họa là vẽ, ghi nhanh, thậm chí rất nhanh để kịp giữ lại cái thần thái của nhân vật hay của đối tượng được quan sát, bởi nếu không nhanh mà để cho khoảnh khắc ấy qua đi, thì cái thần khó mà tìm lại được. Vì vậy, các họa sỹ đã dùng thủ pháp ký họa để phác thảo mẫu nhân vật, cảnh vật trước, rồi mới sắp xếp lại thành bố cục. Đây được xem là một bước rất quan trọng trong quá trình sáng tác một tác phẩm.

Những bức vẽ ký họa được ghi lại bằng cảm xúc, đam mê và cả tình yêu với con người, cảnh vật Việt Nam.(Ảnh: Daihocnguyentrai.edu.vn)

Cho dù ký họa là cách vẽ nhanh đối tượng bằng những đường nét giản lược, nhưng khó nhất là cần trong thời gian ngắn, với những nét vẽ đơn giản nhưng phải toát lên được đặc trưng, và “cái hồn” của bức tranh.

Tranh ký họa của sinh viên Sài Gòn trong cuộc thi Festival 2014 (Ảnh: Printerest.com)

Phải mất rất nhiều công sức và phải đi nhiều nơi để tìm nguồn cảm hứng, những sinh viên ngành mỹ thuật hay thiết kế đồ họa luôn phải chăm chú quan sát từng cảnh vật rồi mới bắt tay thực hiện tác phẩm của mình. Ký họa giúp tăng khả năng quan sát và thỏa sức sáng tạo. Họa sĩ ký họa hiểu rằng những thứ xung quanh chúng ta đều trở nên rất đặc biệt nếu biết nhìn ngắm và cảm nhận.

Tranh ký họa có thể dùng chất liệu màu nước để thực hiện. Màu nước thường có nguồn gốc từ phương Tây, được chế tạo từ những màu bột khô loại mịn nhất, nghiền đều với các chất kết dính và hoàn chỉnh dưới dạng keo sền sệt đựng trong ống thiết mềm hoặc nén dưới dạng bánh khô, thành thỏi vuông hoặc tròn.

Ký họa trên giấy dó

Màu nước có đặc tính trong trẻo, nhẹ nhàng, pha bằng nước lã, vẽ từ nhạt đến đậm dần, pha màu bằng cách chồng màu lên nhau. Khi vẽ tranh màu nước, họa sĩ không được vẽ dày quá hoặc di đi di lại thiều lẩn để tránh vẩn đục mặt tranh. Giấy vẽ màu nước có loại đặc chủng dành riêng, dày, xốp, mặt giấy thường ráp nhiều hoặc ít. Màu nước còn được dùng để vẽ trên lụa (gọi là tranh lụa), dùng để vẽ ký hoạ, vẽ các mẫu trang trí. Ở châu Á, màu nước còn được dùng để vẽ trên giấy dó (gọi là tranh giấy dó), chẳng hạn như ở Việt Nam, và vẽ trên giấy xuyến chỉ (gọi là tranh Thuỷ mặc có điểm màu), chẳng hạn như ở Trung Quốc. Màu nước là chất liệu rất quen thuộc đối với học sinh và sinh viên mỹ thuật, vì thường được dùng để làm bài tập cho môn hội hoạ trong nhà trường.

Giấy dó lại là một sản phẩm thủ công đặc trưng của Việt Nam, nên tranh giấy dó được các hoạ sĩ ưa thích khi xây dựng những tác phẩm thuộc đề tài truyền thống dân tộc. Vài mươi năm nay, tranh giấy dó Việt Nam được giới sưu tập trong và ngoài nước chú ý. Giấy dó là một loại giấy truyền thống Việt Nam, có độ bền, dẻo dai, hút nước nhanh, màu ngà vàng, được làm bằng phương pháp thủ công với nguyên liệu chủ yếu là vỏ cây Dó. Ngày xưa giấy dó dùng để in sách viết chữ nho hoặc in tranh dân gian; vào khoảng những năm 30 thế kỷ 20 các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương mới thường sử dụng chất liệu giấy dó để vẽ ký hoạ, phác thảo; sau đó phát triển dần thành một thể loại tranh độc lập. Chất liệu để vẽ trên nền giấy dó khi đó gồm mực Tàu, màu nước, phẩm màu, bột màu.

Ký họa một kiểu nón truyền thống của phụ nữ Nam Bộ. Xuất bản năm 1935 (Ảnh:vnbonphuong.com)

Ký họa một kiểu búi tóc truyền thống của đàn ông Nam Kỳ. Xuất bản năm 1935 (Ảnh:nvbonphuong.com)

Với lối vẽ nhanh và mang sự giản dị đặc trưng, vậy mà tranh ký họa vẫn có sức hấp dẫn rất đặc biệt, nhờ cái thần được ghi nhớ và thể hiện qua con mắt sắc sảo của người họa sĩ.. Ẩn sau những tác phẩm ký họa ấy, còn là sự rung động đặc biệt của tác giả. Những cảm xúc buồn, tiếc nuối, những trải nghiệm sự đời được tác giả lưu lại chính thông qua những tác phẩm ký họa của mình..

Ký họa một kiểu búi tóc truyền thống của phụ nữ Nam Kỳ. Xuất bản năm 1935 (Ảnh: nvbonphuong.com)

Một kiểu búi tóc rất phổ biến trong giới lao động thời xưa của đồng bào miền Nam được ký họa. Sau khi búi tóc xong họ thường dùng miếng lưới bọc lại cho đỡ xổ. Tóc búi kiểu này đặc trưng cho giới lao động. Còn tầng lớp trung lưu và thượng lưu thì búi kiểu khác, cầu kỳ hơn. Có thể thấy qua những bức ký họa thú vị về đầu tóc búi của phụ nữ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ 20 do sinh viên Trường Nghệ thuật Đông Dương và Gia Định thực hiện.

Ký họa một kiểu tóc búi cầu kỳ với các lọn lóc xòe ra như cánh hoa của người phụ nữ Nam Bộ. Xuất bản năm 1935( Ảnh: AAVH)

Kiểu búi tóc như hình cánh hoa ở trên là rất hiếm gặp, thể hiện sự cầu kỳ và quý phái của nữ chủ nhân. Trên thực tế có rất nhiều cách búi tóc khác nhau, những đơn giản nhất vẫn là cuộn phần tóc dài phía sau thành một “củ hành” cha ông chúng ta vẫn thường gọi là “búi tó củ hành”.

Ký họa về một kiểu tóc búi của phụ nữ Nam Kỳ thế kỷ trước. Xuất bản năm 1935 (Ảnh: Aavh.org)

Ký họa, trong cảm nhận phổ thông là người chộp bắt khoảnh khắc, nhanh, ít nét. Ký họa có tác động tích cực tới tư duy thiết kế. Người vẽ có rất ít thời gian để ghi nhớ hình khối, màu sắc, ánh sáng, kể cả thời gian vẽ. Họa sĩ thiết kế sẽ hình thành tư duy chọn lọc nhanh nhạy và cảm quan tinh tế trong thiết kế sản phẩm.

Ký họa một số mẫu guốc mộc và hài tân thời của người dân Sài Gòn thế kỷ trước. (Ảnh:Aavh.org)

Đối với các sinh viên, thực tập mỹ thuật cơ sở là bài học thực hành mỹ thuật cơ bản để sinh viên học hỏi từ môi trường sống những dáng dấp đường nét, cấu trúc, màu sắc và các hình thái thể hiện, thẩm mỹ sinh động từ cuộc sống tự nhiên. Tranh ký họa dự thi của họ cũng để lại vài dấu ấn.

Tác phẩm ký họa của sinh viên Nguyễn Văn Quý. đạt giải khuyến khích trong cuộc thi festival 2014. Chất liệu: màu nước. (Ảnh:Printerest.com)

Tranh ký họa nhà thờ đức bà Sài Gòn. (Ảnh: Printerest.ru)

Thực tập mỹ thuật cơ sở là nghiên cứu, ghi chép, ký họa trên những chất liệu cụ thể từ tự nhiên và cuộc sống xã hội là trải nghiệm về bài học quy luật vận động, thị giác và thẩm mỹ chân thực, là nguồn tư liệu quý báu, là vốn sống thực tiễn cho sáng tạo của các họa sĩ trong tương lai.

Ký họa tĩnh vật, phong cảnh, chân dung hay bất cứ đối tượng nào, thì yêu cầu đầu tiên đối với người họa sĩ là phải lột tả được đúng đặc điểm, bản chất của nhân vật, sự vật, hiện tượng… Ví dụ như, đặc điểm gợi cảm hay độ dài của khuôn mặt, Tuy nhiên, kí họa không được là “sao y bản chính”; nếu so sánh kỹ bức ký họa với nhân vật, chủ đề thật ngoài đời thì không giống nhau đến từng chi tiết. Khi nhìn tổng thể, mà người xem tranh nhận ra đối tượng được vẽ thì đã đạt yêu cầu của một bức ký họa.

Tác phẩm ký họa đoạt giải ba festival 2014 của sinh viên: Nguyễn Văn Quý. (Ảnh:Printerest.com)

Người họa sĩ có thể ký họa trực tiếp (nghĩa là đối tượng vẽ ở ngay trước mặt) hoặc gián tiếp (thông qua ảnh chụp…). Ký họa trực tiếp thì dễ “bắt” được cái hồn của đối tượng hơn. Đây là một yếu tố tối quan trọng trong ký họa, nhất là ký họa chân dung. Những sắc thái biểu cảm, cái thần của nhân vật, nếu họa sĩ ký họa mà lột tả được thì sẽ cho ra đời một tác phẩm rất sống động.

Chân dung ký họa bút bi diễn viên nổi tiếng Chris Hemsworth.(Ảnh: Printerest.com). Họa sĩ: Trần Quốc Bảo.

Họa sĩ Quốc Bảo chia sẻ: “Vẽ ký họa bằng bút bi đòi hỏi tỉ mẩn và cẩn trọng. Đôi khi đang vẽ thì ngòi bút rỉ mực, mình phải lau khô ngay kẻo sẽ hỏng bức tranh”.

Vẽ ký hoạ, đặc biệt là ký họa chân dung, thì khó nhất là làm sao toát lên được thần thái của mỗi người. Vì vậy, phải biết quan sát, tìm ra nét riêng trên gương mặt họ và quan trọng hơn là bắt được cái thần của gương mặt ấy.

Thực ra, trong giới mỹ thuật có nhắc đến một hình thức vẽ tranh là vẽ tranh bằng “bút sắt”. Bạn có thể dùng bất cứ chất liệu gì để ký họa, miễn nó tạo được đường nét. Bút sắt ở đây được hiểu là những loại bút có đầu bằng kim loại, gồm cả bút kí họa, bút máy, bút bi…Khác với bút chì, dùng bút bi vẽ tranh sẽ khó hơn. Để vẽ được và vẽ đẹp bằng những loại bút này thì người họa sĩ mất rất nhiều công sức kèm theo đó là sự tỉ mỉ.

Ký họa của sinh viên kiến trúc “Phong cảnh Sài Gòn” 2015. (Ảnh:Printerest.ru)

Vì vẽ bằng bút sắt sẽ không tẩy được nên bắt buộc người họa sĩ cần phải tập luyện kĩ năng so sánh, ước lượng, đánh bóng. Đánh bóng là công đoạn khó khăn nhất khi vẽ tranh bằng bút bi chuyên vẽ. Bởi vì tính chất đường nét của bút bi rõ ràng, đều và đậm; nếu không cẩn thận bức tranh dễ bị tương phản mạnh mẽ giữa màu mực và màu trắng của giấy, làm mất đi sự mềm mại của các đường nét mà họa sĩ định thể hiện.

Ký họa nhìn chung có hai loại. Loại thứ nhất là Ký họa nét; đó là dùng đường nét để thể hiện tác phẩm. Nhưng đôi khi vẫn có thể tạo mảng tổng quát bằng lớp đánh tổng quát. Thứ hai là ký họa mảng; đó là dùng các mảng hình đậm, nhạt khác nhau làm nổi bật đối tượng. Các mảng phải có tỉ lệ và hình dạng chính xác.

Để có một bức ký họa chân dung tốt, người vẽ cần quan sát nhanh và chính xác đường tạo dáng của nhân vật (ngay cả khi nhân vật đang di chuyển); quan trọng nhất không phải là nét vẽ mà là việc ghi nhận thông tin bằng mắt, cảm nhận về đối tượng, bắt được cái thần, dáng vẻ đặc trưng của nhân vật; nét vẽ phải thoải mái và phóng khoáng; phải kiểm soát tâm của mình luôn tỉnh táo.

Sưu tầm