Nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ có nguồn gốc từ miền Bắc theo hành trang của lưu dân người Việt trên đường Nam tiến, nghề này đã sớm được gieo trồng ở vùng Cao Lãnh từ các thế kỉ trước.

Là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, An Giang có vị thế đặc biệt với nhiều di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng như lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An (ở Châu Đốc), khu thánh địa Bửu Sơn Kì Hương (ở xã Thới Sơn – huyện Tịnh Biên)…

Trong, vùng cù lao Ông Chưởng (thuộc huyện Chợ Mới ngày nay) giữ một thế chiến lược có một không hai: được án ngữ bởi ba mặt sông (sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao) như một chiếc đầu tàu vượt sóng Mêkông để lao về phía trước. Chính vì thế, khi vừa làm chủ được vùng đất này, chúa Nguyễn liền cho xây dựng ngay chốt phòng thủ chiến lược mang tên Thủ Chiến Sai, mà danh xưng còn lưu lại cho đến ngày nay: Chợ Thủ. Đặc biệt, theo ông Lê Văn Nẩm – ông từ thứ 14 của đình Chợ Thủ – thì đình này được khởi lập từ năm 1786. Đến nay, đình Chợ Thủ vẫn còn tồn tại vững vàng như một nhân chứng cho bề dày lịch sử của vùng đất này.

Do những điều kiện trên, vùng cù lao Ông Chưởng là vùng đất phù sa màu mỡ cùng với nguồn lợi sông nước nên từ rất lâu đã sớm trở thành khu dân cư sầm uất. Đất lành chim đậu, lưu dân người Việt chọn nơi này làm nơi dừng chân sinh sống và lập nghiệp. Đặc biệt làng Long Điền – Chợ Thủ (mà xưa thuộc thôn Kiến Long – phủ Tuy Biên; nay là xã Long Điền A) do điều kiện thuận lợi nên sớm hình thành các làng nghề thủ công mỹ nghệ:

Long Điền – Chợ Thủ quê anh

Trai chuyên làm tủ, gái sành cửi canh.

Thợ chạm đang thực hiện kỹ thuật chạm nổi. Ảnh: Hoàng Hương

Nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ có nguồn gốc từ miền Bắc theo hành trang của lưu dân người Việt trên đường Nam tiến, nghề này đã sớm được gieo trồng ở vùng Cao Lãnh từ các thế kỉ trước. Khi thực dân Pháp chiếm Cao Lãnh thì các nghệ nhân tản cư về vùng Chợ Thủ, trong đó có nghệ nhân Tám Dinh. Về sau, nghề này được truyền lại cho mai sau, hiện nay ông Tư Chia đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển làng nghề.

Càng gắn bó với nghề bao nhiêu, những người thợ ở đây lại càng tỏ lòng tri ân, tôn kính tổ nghề bấy nhiêu. Đó cũng là một biểu hiện cao quý của đạo lý truyền thống dân tộc và lòng yêu nghề của họ. Mỗi năm họ tổ chức cúng tổ 2 lần: 13/ 6 và 20 tháng chạp âm lịch. Nghề chạm khắc gỗ ở đây thờ tam vị thánh tổ là: Lịch Đại tổ sư, Lỗ Ban tiên sư và Cửu Thiên Huyền Nữ – trong đó Lịch Đại tổ sư là vị tổ lớn nhất. Việc thờ phụng cả ba vị thánh tổ này cũng phần nào cho thấy tinh thần bao dung, cởi mở, hoà đồng như bản chất con người Nam Bộ.

Kỹ thuật:

Thao tác, kĩ thuật chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể quy về 4 loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Mỗi loại chạm ứng với từng loại sản phẩm nhất định. Chạm trổ là tạo nên hình tượng không gian ba chiều và tách rời, khiến ta có thể quan sát được hình tượng từ mọi hướng, thường áp dụng đối với hình người hay thú. Chạm lộng cũng tạo nên hình tượng không gian ba chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dãy, thường áp dụng đối với các hình tứ linh hay tứ quý trên các bao lam, thành vọng. Chạm nổi tạo hình tượng nổi một phần trên nền gỗ có hoa văn đính kèm, thường áp dụng đối với các bức phù điêu. Còn chạm âm là loại chạm đơn giản, khoét lõm vào bề mặt gỗ, thường áp dụng đối với các tấm liễn (khắc các câu đối bằng chữ Nho).

Dụng cụ:

Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ cần đến rất nhiều dụng cụ chuyên dụng Trong đó các loại đục giữ vai trò cực kì quan trọng. Thông thường một bộ đục gồm khoảng 40 chiếc, quy về 4 loại chính: đục bạt, đục dũm, đục tách và cây chàng. Đục bạt là loại đục thông thường, có lưỡi phẳng, dùng để phá nền, tạo khung mặt phẳng trong chạm nổi. Đục dũm có hình dáng gần giống như đục bạt nhưng bề mặt lưỡi mô lên như hình máng xối dùng để tạo các mặt cong. Đục tách có mặt lưỡi hình chữ V dùng để khắc các đường nét . Cuối cùng là cây chàng có lưỡi nhọn hình mỏ chim dùng để khắc các nét chữ nhỏ.

Để làm ra một sản phẩm phải qua rất nhiều công đoạn, gồm có sự tham gia của cả thợ mộc lẫn thợ chạm.

Đầu tiên là khâu chọn gỗ. Các loại gỗ dùng chạm khắc thường là gỗ quý, gồm có: gỗ nhóm 1 như cẩm lai, bên (tức gõ đỏ) dùng đóng bàn ghế, tủ; nhóm 2 có ván hương, căm xe… dùng làm cửa; nhóm 3 có thao lao dùng làm các bao lam. Các loại gỗ này thường có nguồn gốc từ Campuchia, được tập kết về Mỹ Luông giáp ranh với Chợ Thủ.

Sau khi chọn gỗ thì người thợ cả phải xử lý gỗ, tức là tính toán đường cưa sao cho tận dụng được tối đa thân gỗ, rồi phơi nắng khoảng 10 ngày để cho gỗ định hình, không bị biến dạng sau khi chạm khắc.

Đề tài:

Các đề tài thường là do khách hàng yêu cầu hoặc do nghệ nhân sáng tạo hoặc do hoạ sĩ chuyên nghiệp thiết kế. Các motif hoa văn thường theo mẫu có nội dung truyền thống nhưng vẫn pha thêm cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân. Các motif truyền thống thường là:

– Tứ quý (mai – lan – cúc – trúc) biểu tượng của 4 mùa trong năm.

– Tứ linh (long – lân – quy – phụng) biểu tượng của tinh hoa trời đất vũ trụ.

– Lưỡng long triều nhật (hay lưỡng long tranh châu) có hình hai con rồng chầu hai bên mặt trời (hay viên ngọc). Rồng biểu tượng cho nguyên lý dương nên hình tượng này biểu thị cho “tam dương”, biểu ý cho câu chúc “tam dương khai thái”, tức mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.

  • Rồng – phượng: biểu thị cho âm dương hoà hợp, trời đất giao hoà.
  • Long – ẩn (tức rồng ẩn hiện trong mây), biểu thị cho cơ hội tốt lành (vân long khánh hội).
  • Quy – hạc: biểu thị cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
  • Trúc – mai: tượng trưng cho chí khí thanh cao của người quân tử.
  • Tùng – lộc: biểu thị ước vọng sống lâu và gặp nhiều may mắn.
  • Quả lựu (nhiều hạt) biểu thị cho ước vọng đông con và tình yêu sâu sắc.
  • Voi: chữ Hán là “tượng”, gần âm với “tường” tức điềm lành.
điêu khắc
Những thợ chạm đang thực hiện kỹ thuật chạm trổ. Ảnh: Hoàng Hương

Trong khi thiết kế các hình tượng này, người thợ luôn tính đến sự cân đối hài hoà của nó. Ví dụ rồng thì phải có đầu lớn (10 phần), cổ nhỏ hơn (7 phần), mình thon (9 phần) và đuôi nhỏ (6 phần). Cây thì phải có gốc to rồi nhỏ dần về trên. Trong mô típ rồng- phụng thì giữa rồng và phụng phải có độ dài ngang nhau để tạo nên tính đối xứng. Trong tứ linh thì rồng- phụng phải đặt bên trên và dài hơn, còn lân- quy phải đặt bên dưới và ngắn hơn.

Mỗi loại mô típ hình tượng ứng một không gian bài trí nhất định. Ví dụ các mô típ tứ linh, lưỡng long triều nhật, (hay lưỡng long tranh châu), quy – hạc thì nhất định phải được đặt ở đình miếu; còn các mô típ khác thì có thể được bày trí ở nơi còn lại.

Khâu tiếp theo là tạo nền, tạo dáng. Khâu này do thợ mộc đảm nhận. Nếu là chạm trổ hay chạm lộng thì trước tiên dùng khoan tạo lỗ xuyên qua thân gỗ rồi tra lưỡi cưa vào tiến hành cưa lộng theo đường nét đã vẽ sẵn. Lưỡi cưa dùng để cưa lộng thường có bề gáy rất ngắn giúp đường cưa có thể uyển chuyển linh hoạt theo đường nét hoa văn uốn lượn phức tạp. Nếu là chạm nổi hay chạm âm thì dùng đục bạt phá nền, tạo khung.

Kế đến là khâu chạm khắc do thợ chạm đảm nhận. Đây là khâu quyết định, là lúc người thợ “thổi hồn mình vào trong từng thớ gỗ”. Bằng cách phối hợp nhuần nhuyễn 4 loại đục (mà chủ yếu là đục dũm và đục tách), người thợ tạo tác nên nhiều đường nét, hình tượng mới lạ mà trên nền gỗ chưa hề có.

Khâu cuối cùng là cạo láng, làm bóng và sơn. Đây là thao tác tô điểm thêm cho các hoa văn hình tượng đã có. Ở Chợ Thủ không có thợ cẩn ốc xà cừ nên những sản phẩm nào cần cẩn ốc thì phải nhờ thợ chuyên môn ở Mỹ Luông làm giúp. Như vậy, để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh đôi khi phải cần có sự phối hợp của cả thợ mộc, thợ chạm và thợ cẩn.

Nghề mộc chạm khắc gỗ ở đây từ bao đời đã tạo cho Chợ Thủ một diện mạo riêng biệt so với các vùng xung quanh. Ít có ai nghĩ rằng giữa một vùng đồng ruộng chân chất lại xuất hiện một làng nghề như vậy.

Sưu tầm