Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Arts), Nghệ thuật Trình diễn (Performance Arts) và Nghệ thuật Thân thể (Body Arts) là ba khuynh hướng sáng tác và thể hiện mới của ngôn ngữ mỹ thuật, của nghệ thuật thị giác. Nó được coi là một hình thái, khuynh hướng nghệ thuật hậu hiện đại.
MARCEL DUCHAMP. Bánh xe đạp. 1913. Vật có sẵn. 64,8cm trên ghế cao 60,2cm
Trong thực tế thì loại hình nghệ thuật được gọi là Nghệ thuật Trình diễn không hoàn toàn giống với loại nghệ thuật vốn đang giảng dạy trong các Trường Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh. Về thuật ngữ thì các loại hình thuộc nghệ thuật sân khấu điện ảnh cũng được gọi chung là “Performance Arts”. Nhưng Nghệ thuật Trình diễn mà chúng ta nói tới ở đây là thuộc lĩnh vực mỹ thuật chứ không phải của nghệ thuật sân khấu…
Theo Lịch sử Mỹ thuật thì động cơ nảy sinh ra ngôn ngữ Nghệ thuật Sắp đặt vốn được khởi nguồn từ ý tưởng của tác phẩm “Bánh Xe đạp” của họa sĩ Marcel Duchamp; kế đó là một số ý tưởng dùng các phế liệu để phối hợp trình bày tác phẩm.
Nó cũng bắt đầu manh nha từ kỷ nguyên nghệ thuật bình dân (Pop – art – era) vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, đôi khi nó có liên hệ chút ít với khái niệm Nghệ thuật Ngẫu nhiên (Happenings).
Khuynh hướng Nghệ thuật Sắp đặt này chính thức mở rộng từ 1970 tại Mỹ và Châu Âu.
Ý nghĩa gần đây nhất nói về nghệ thuật này: Nghệ thuật Sắp đặt là loại tác phẩm đặc biệt được sắp đặt tại một vị trí không phải chỉ trên tường mà còn cả trên sàn nhà trong gallery hay ngoài trời để tạo thành một môi trường không gian tác phẩm chứ không phải trên mặt phẳng như các tác phẩm trước kia.
Điểm đặc biệt là tên tác phẩm của nó không cố định. Khi tháo dỡ để di chuyển và tái tạo lại trong một không gian khác thì tên tác phẩm có thể biến đổi. Bởi lẽ khi bố trí lại lần sau, vị trí các hiện vật, các bộ phận của tác phẩm có thể được thay đổi. Nghệ thuật Sắp đặt không phải chỉ dành riêng cho nghệ sĩ hội họa mà nó còn là ngôn ngữ của các nghệ sĩ điêu khắc nữa. Nói chung tác giả của nó có thể là những nghệ sĩ tự do của các lĩnh vực khác.
Một số nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật này: Ở Đức có Terry Allen, Joseph Beuys. Ở Pháp có Christian Boltanski, Daniel Burren. Ở Bỉ có Jonathan Borofsky, Marcel Broodthaers. Ở Canada có Chrias Burden, Bruce Charlesworth, Terry Fox, Howard Fried. Ở Nga có Ilya Kabakov. Ở Ý có Josept Kosuth, Sol LeWitt, Donald Lipski, Walter De Maria, Tom Mationi, Michael McMillen, Mario Merz, Michelangelo Pistoletto, Maria Normand, Nam June Pail, Judyu Pfaff. Ở Tây Ban Nha có Antonio Muntadas. Ở Nam Tư cũ có Lynn Hirshman, David Ireland, Patrick Ireland, Robert Irwin…
MARISOL. Bữa ăn tối cuối cùng (sắp đặt tại gallery Sidney Janis). 1982. Gỗ, đá nâu, thạch cao, sơn và than. 3,07×9,09×1,7m. Nguồn: Sách “Lịch sử nghệ thuật phương Tây” của Laurie Schneider Adams
Tác phẩm của Nghệ thuật Sắp đặt không phải là nghệ thuật hai chiều, ba chiều mà nó là tổng hợp tất cả các phương tiện biểu đạt từ hai chiều, ba chiều và môi trường không gian. Tác phẩm Nghệ thuật Sắp đặt bao gồm cả một không gian như căn phòng hay môi trường không gian mở ngoài sân, trên sảnh…
Tác phẩm là một tổ hợp các hình vẽ, tranh, tượng, đồ vật, hiện vật, phim ảnh, âm nhạc, mùi hương được nghệ sĩ dàn dựng theo ý tưởng nào đó. Và từ đó nó có những đặc điểm quan trong sau đây: * Đặc diểm thứ nhất là với loại tác phẩm này thì người thưởng thức phải “đi vào” bên trong tác phẩm để nhìn ngắm, lắng nghe âm thanh, sờ chạm hiện vật, ngửi, cảm nhận cả mùi vị của không gian mà tác giả dàn dựng.
Điều này chứng minh rằng nghệ thuật này là loại hình mang tính tổng hợp. Bởi lẽ, để cảm thụ thì cùng một lúc phải dùng nhiều quan năng.
NAM JUNE PAIK. Hamlet Robot. 1996. Video Art. 2 radio, 24 tivi, 2 đầu đĩa laser và đĩa, máy biến thế, vương miện, vương trượng, kiếm và đầu lâu. 3,66 x 2,24 x 0,81m. Nguồn: Sách “Lịch sử nghệ thuật phương Tây” của Laurie Schneider Adams
* Đặc điểm thứ hai là trong nội dung của các tác phẩm trước kia đều trình bày ý tưởng đã định hình trên những hình thức biểu hiện thông thường như màu sắc, hình khối từ hai chiều đến ba chiều.
Còn trong Nghệ thuật Sắp đặt, ý tưởng mà nghệ sĩ diễn tả là một chuỗi hiệu quả tổng hợp tương tác của các hiện vật, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, màu sắc, mùi vị… Từ đó, nó hình thành trong tư duy người xem như là một chuỗi được xâu kết trong quá trình đi lại, quan sát, cảm thụ ngay trong lòng tác phẩm, thậm chí ngay khi bước ra khỏi tác phẩm thì người xem mới hình dung được ý tưởng trọn vẹn của nó.
Nghĩa là tác phẩm Nghệ thuật Sắp đặt trình bày “một quá trình hình thành ý tưởng” chứ không định hình sẵn “một ý tưởng tĩnh” như trước kia. Đây là đặc điểm quan trọng mà giới thưởng ngoạn phải am hiểu.
* Đặc điểm thứ ba là tác phẩm nghệ thuật này rất khó bán (có thể bán được ở nước ngoài nhưng rất hiếm). Và động cơ sáng tác cũng không phải để bán mà để trình bày ý tưởng.
* Đặc điểm thứ tư là tác phẩm chỉ tồn tại tại nơi trưng bày một thời gian ngắn rồi phải tháo dỡ ra nếu không có không gian lắp đặt, trưng bày cố định.
Còn Nghệ thuật Trình diễn thì ra đời trong khoảng thời gian trong thập niên 1960 với những tác phẩm của những nghệ sĩ vốn đã tạo ra tên gọi “Tình cờ”, “Ngẫu nhiên” (Happenings). Đó là các nghệ sĩ như: Vito Acconi, Hermann Nitsch, Joseph Beuys và Allan Kaprow. Nó còn được coi là Nghệ thuật Sống (live art) hay Nghệ thuật Hành động (action art).
Nghệ thuật Trình diễn được coi là nghệ thuật mà trong đó hoạt động của một cá nhân hay một nhóm được diễn ra ở một vị trí đặc biệt và cũng trong một thời gian đặc biệt để hình thành tác phẩm.
Bản thân nghệ thuật này bao gồm bốn yếu tố cơ bản như sau: thời gian (time), không gian (space), thân thể người diễn (performer’s body) và mối quan hệ tương tác giữa người diễn và người thưởng ngoạn. Nó có vẻ như là hình thức đối kháng lại với hội họa và điêu khắc.
Mặc dù Nghệ thuật Trình diễn có thể được phối hợp bao gồm một chuỗi những hoạt động như sân khấu, (theater), múa (dance), âm nhạc (music), xiếc (circus) cùng liên kết với nghệ thuật phun lửa (fire breathing), tung hứng (juggling) và thể dục nhào lộn (gymnastics). Nhưng Nghệ thuật Trình diễn mà chúng ta nói tới ở đây không hoàn toàn giống với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Sân khấu Điện ảnh thông thường mà là nó do những nghệ sĩ mỹ thuật thực hiện nhằm diễn đạt ý tưởng của nghệ thuật tạo hình chứ không phải ý tưởng văn học thuần tuý.
Điểm đặc biệt ở chỗ là bản thân tác giả lại chính là một bộ phận của tác phẩm hay chính là tác phẩm. Nghĩa là, tác giả cũng chính là tác phẩm và tác phẩm chính là tác giả.
Ngày xưa, trong mỹ thuật bao gồm ba mối quan hệ chủ yếu thể hiện như sau: tác giả, tác phẩm và người xem ở ba vế khác nhau.
Giờ đây mối quan hệ tay ba rút gọn còn tay đôi, quan hệ từ hai phía. Đó là quan hệ giữa một bên là “tác giả – tác phẩm” và bên kia người xem. Nghĩa là khái niệm về tác giả và tác phẩm đã chuyển sang quan hệ mới hơn không còn là hai khái niệm biệt lập.
Tuy nhiên từ trong bản thân cái gọi là “tác giả – tác phẩm” cũng có mối quan hệ riêng ở dạng khác trước. Đó là tác giả có thể là một người hay một nhóm người cùng được coi là đồng tác giả hay do một người trong nhóm chỉ đạo chung và họ dùng thân xác của chính mình để biểu diễn. Vì nó được coi là Nghệ thuật Hành động (action art) cho nên hễ hành động, diễn thì phải dùng sức lực của chính tác giả.
Do đó sẽ có tình huống là tác giả “bị mệt” và diễn không hoàn toàn giống những lần diễn trước đó. Đặc biệt hơn nữa là ngay trong quá trình diễn đi diễn lại thì mối quan hệ giữa tác giả – tác phẩm và những người xem sẽ có những sự tương tác về tâm lý, giao lưu tình cảm, từ đó hình thành ngay trong bản thân tác giả cái gọi là “tâm lý, tâm trạng biểu diễn”.
Còn trong Nghệ thuật Trình diễn ngày nay thì giữa tác giả – tác phẩm và người xem thực sự có sự giao lưu, tương tác với nhau qua cái nhìn của tác giả – tác phẩm với trạng thái cảm xúc của người xem diễn ra ngay trong khi xem diễn. Tác giả diễn bị mệt, người xem biết. Người xem vui, hứng thú hay uể oải thì tác giả cũng biết. Thậm chí người xem đẹp hay xấu cũng tác động đến cảm xúc và trạng thái diễn của tác giả – tác phẩm.
Từ những đặc điểm nói trên ta thấy, đối với Nghệ thuật Trình diễn thì khái niệm triển lãm (exhibition) ngày xưa đã được thay thế bằng từ ngữ, hay khái niệm “diễn” (display). Vì thời gian diễn của nghệ thuật này có giới hạn (phải diễn lại, sau khi nghĩ ngơi), cho nên được gọi là thời hạn (duration).
Chính vì phải diễn đi diễn lại theo chu kỳ giống chiếu phim trong Nghệ thuật Video (Video Arts) hay Nghệ thuật Thân thể (Body Art) cho nên các nhà lý luận ngày nay gọi các loại hình này thuộc dạng Nghệ thuật Phù du (phemeral Arts).
Trên đây là vài nét về các đặc điểm quan trọng của Nghệ thuật Sắp đặt và Nghệ thuật Trình diễn. Chính từ các đặc điểm này, ngày nay việc quy hoạch thiết kế hệ thống, không gian của Bảo tàng Mỹ thuật phải quan tâm, dự kiến không gian trưng bày cho các loại hình nghệ thuật này.
Ngoài ra, Nghệ thuật Thân thể (Body art) là nghệ thuật rất gần với Nghệ thuật Trình diễn (Performance art) hay nói các khác thì Nghệ thuật Thân thể cũng là một dạng của Nghệ thuật Trình diễn, nhưng chu kỳ diễn rất ngắn hay bản thân tác giả thực hiện một thế dáng, động tác nào đó và giữ thế “yên tĩnh” suốt thời gian trình bày (tất nhiên cũng có lúc bản thân tác giả – tác phẩm” phải nghỉ mệt).
Điểm giống cơ bản giữa hai nghệ thuật này là sự nhập chung hai vế “tác giả” và “tác phẩm” thành một, gọi là “tác giả – tác phẩm” và cũng phải có các thao tác “diễn”.
Nghệ thuật Thân thể cũng ra đời trong những thập niên 1960 – 1970, nhưng hình thái biểu hiện của nó mang đôi phần gợi dục (sexy). Nghĩa là bản thân tác giả – tác phẩm phải khỏa thân hay tối thiểu là mặc quần hay áo ôm xát vào thân thể như là “không mặc y phục”. Nhưng thường thì ở dạng khỏa thân. Người thưởng ngoạn có thể ngắm tác phẩm từ mọi phía. Cái gọi là “diễn” của Nghệ thuật Thân thể thường rất lạ hay đôi lúc kỳ quái.
Nói chung, Nghệ thuật Thân thể thường thể hiện sự tạo hình theo các dạng sau đây: Tạo hình xăm trên cả cơ thể, tô màu trên cả cơ thể, treo gắn, dán… các đồ vật nào đó vào cơ thể theo ý tưởng tạo hình riêng, gợi cảm giác kỳ dị…
Tóm lại Nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn và Nghệ thuật Thân thể là những loại hình nghệ thuật hậu hiện đại. Chúng có thời gian ra đời gần như giống nhau và cho thấy sự mở rộng hơn tư duy và sáng tạo nghệ thuật. Việc một số nghệ sĩ trẻ ngày nay sử dụng nó như là một trong những ngôn ngữ để biểu đạt ý tưởng cũng là một hiện tượng đáng quan tâm. Nhưng dù sao chúng cũng chỉ là một số ngôn ngữ có khả năng nhất định trong vô vàn hình thái biểu đạt nghệ thuật.
Uyên Huy