Trong tạp chí “Art news” số 2 phát hành tháng 2 năm 2006 có một loạt bài viết về các khuynh hướng nghệ thuật đương đại dưới một tiêu đề chung Top 10 trends, 10 bài viết về những họa sĩ mà tác phẩm của họ phản ánh những khuynh hướng tiêu biểu được tạp chí trên tuyển chọn.
Do số trang có hạn, Thông tin Mỹ thuật không thể đăng lại trọn vẹn các bài viết trên; để giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn bộ và cập nhật về mỹ thuật thế giới, chúng tôi tổng thuật trong bài viết sau và đăng tải thành 2 kỳ.
SANFORD BIGGERS. Thảm cầu nguyện. 2005. Với sự chỉ dẫn của ông, mọi người im lặng trải cát màu lên sàn gallery
Mở đầu loạt bài này, Robin Cembla viết: “Làm sao bạn có thể nhận ra một khuynh hướng? Nếu bạn là Kay Larson, bạn thấy sự hư hỏng ở mọi nơi. Nếu bạn là Jori Finkel, bạn sẽ thấy chất thơ trong vẻ đẹp của những kho chứa vật dụng trong nhà.
Và nếu bạn là Carly Benwick, bạn sẽ kết luận rằng một con chim cánh cụt mang linh hồn của giải thưởng hai năm Whitney sắp tới.
Trong khi danh sách 10 khuynh hướng được biên tập và đóng góp, sắp xếp, dĩ nhiên mang tính chủ quan, nó được coi như là một bức tranh tổng hợp của thế giới nghệ thuật đương đại.”
Bài đầu tiên là của Kay Larson, với tựa đề
GIỮ VỮNG NIỀM TIN
Tác giả viết: “Những tác phẩm nghệ thuật về những lễ nghi tôn giáo, sự thiền và nỗ lực hàn gắn thế giới phản ánh mối quan tâm ngày càng nhiều đối với vấn đề của linh hồn”. Những tác giả của khuynh hướng sáng tác này có một điểm chung nhất, đó không phải là hình thức sáng tác của tác phẩm mà là nội dung nó đề cập tới: đời sống tâm linh và linh hồn.
Khác với những tác phẩm về đề tài linh hồn vốn ồn ào và bị công kích ở nửa thế kỷ trước, những tác phẩm ngày nay về đề tài này diễn ra lặng lẽ hơn trong các loại hình nghệ thuật như: sắp đặt, video, nghệ thuật hậu những năm 1960 và hậu Nghệ thuật Tối thiểu.
Với cái nhìn khơi gợi những hiện tượng tinh tế, sâu sắc trong đời sống trần tục thường ngày, các bóng mờ của hình dáng và sự khó nắm giữ thuộc tiềm thức, các nghệ sĩ này đã khai quật tâm trí, trái tim mình.
Họ là Marina Abramovic, Lauri Anderson, James Turner và Bill Viola với các tác phẩm là những cuộc phiêu lưu vào thế giới bên trong. Viola đến với nghệ thuật Nhật Bản và thiền từ năm 1980, sau đó ông lại say mê Nghệ thuật Phục Hưng cùng với niềm đam mê Thiên Chúa.
Tác phẩm bộ đôi “Lễ rửa tội” lại là sự cọ xát tinh thần mang tính vô thần, đã làm bốc cháy màn hình plasma với hình ảnh 2 tấm thân đàn ông và đàn bà trong bóng tối, bị chia cách bởi một cột nước chập chờn, lấp loáng, rất khó nắm bắt như thể áp lực của dòng chảy cuộc sống.
Viola nói:
- “Lễ rửa tội có mối liên quan đến sự thanh tẩy, nhưng cũng được coi như sự rộng mở những cánh cửa thần kỳ trong mỗi chúng ta”…
- “Những điều không thể đặt tên hay không thể giải thích trong cuộc sống luôn hấp dẫn tôi.”…
- “Nghệ thuật của tôi không đưa ra những câu trả lời, mà là những câu hỏi”.
“Tôi tin rằng con người có năng lực sáng tạo vô tận đối với những hình ảnh mang tính thần thánh”, Ukeles, một nghệ si Do Thái với màn trình diễn về nghi lễ tắm rửa, hay “Bản tuyên ngôn cho nghệ thuật hiện nay” 1969, thể hiện một khởi đầu cho nỗ lực cứu rỗi thế giới trong việc tái che rác.
Cô nói quan điểm của mình về linh hồn đối với tiềm năng của con người. Tương tự như vậy, nghệ si Kimsooja của Hàn Quốc và nghệ sĩ Lee của Đài Loan (từng ở thiền viện trong 6 mùa hè) đã có những tác phẩm tinh tế nhấn mạnh tới sự tiết chế, lòng trắc ẩn và sự cảm thông, một thế giới tuyệt vời phản ánh gốc rễ đạo Phật của họ.
Antoni, nghệ sĩ theo đạo Thiên Chúa, đã nghiên cứu đời sống tu viện, những chủ đề về sự hợp nhất, cũng như những quy tắc thiền Châu Á.
Trong tác phẩm trình diễn, bằng cách liếm và ăn những bức tường bằng chocolate của mình, cô đã hòa hợp chúng vào cơ thể mình như một quan niệm theo nghi lễ hợp nhất, sự chuyển bánh mì thành cơ thể và rượu thành máu của Chúa.
Đối với Arlene Shechet, người tôn vinh đạo Do Thái gốc của mình ngang bằng với đạo Phật mà cô theo.
Năm 1992, khi cô bắt đầu làm những tượng Phật ở Hydrocal, thì từ điển nghệ thuật thế giới đang bị ảnh hưởng lớn bởi những hình ảnh gợi dục và những ấn phẩm về giới tính, để chống lại chúng, theo cô cần một hình ảnh đầy ấn tượng, gây sửng sốt, đó chính là hình ảnh một đức Phật khiêm nhường.
Cô đã thể hiện suy nghĩ của mình như vậy trong những triển lãm cá nhân tại Elizabeth Harris ở New York, Shoshana Wayne ở Los Angeles, Hemphill Fine Art ở Washington.D.C.
Con đường của Bigger lại dẫn tới những kết quả bất ngờ, huyền bí và đầy sức mạnh. Có ông Cha đã từng là trụ cột nhà thờ của cộng đồng Mỹ gốc Phi. Nhưng ông ta cũng chưa thức tỉnh – như ông nói – cho đến khi học xong cao đẳng và đi tới Nagoya, Nhật.
Sau 2 năm nghiên cứu thiền và tiếng Nhật, ông đã làm những bức tranh vẽ nguệch ngoạc bằng những vòng tròn thể hiện vũ trụ. Nghệ thuật của ông thấm đẫm chất nhạc hip-hop, nhạc jazz và gần đây là văn hóa đạo Hồi. Cuộc trình diễn sắp đặt với những bức tranh cát Tibetan, nghi lễ cầu nguyện đạo Hồi với những bình đựng cát màu ở nhà Triple Candie – New York.
“Hành động mọi người quỳ trải cát lên sàn nhà trong im lặng giống như là một nghi thức thiền”. Ong nói: “Bạn đi vào nơi đó khi cơ thể và tâm trí bạn làm việc độc lập và tác phẩm hình thành một cách vô thức.
Đó là sự chú tâm, khi những nghệ sĩ cùng đạt tới cõi thiền một cách an nhiên. Tính chất linh hồn là từ mà chúng tôi cần, để nói về nhu cầu được đồng điệu với mỗi người chúng ta”.
SALÔNG VẬT PHẾ THẢI là bài viết tiếp theo của JORI FINKEL, nói về Nghệ thuật Sắp đặt mà theo tác giả đang lan tràn các gallery. “Sau Kurt Schwitters, những nghệ si đang mang những cơn bốc đồng và chất thơ của mình vào những sắp đặt ngổn ngang, đầy ám ảnh của họ”.
Năm ngoái, Sarah Sze đã biến gallery Marianne Boesky ở New York thành một bãi hỗn độn gồm thước dây, dây điện, ly giữ nhiệt, lông chim… Gần đó, tại nhà Texter và Spengemann, Charlotte Becket đã xây một ngọn núi bằng cách nén đĩa CD, thùng giấy, chai rượu, lon bia, “bất cứ vật gì còn sót lại cuối ngày trong studio của tôi”.
Và Phoebe Washburn đã bỏ ra cả mùa hè năm ngoái ở Los Angeles để dựng lên 2 sắp đặt khổng lồ với hàng tấn ván ép, kết hợp với bút chì và keo dán mang tên “Không có bí mật nào gây ngạc nhiên”, trông giống như một khu ngoại ô lụp xụp bị quật nát bằng một cơn bão.
Sắp đặt khác của cô “Nó được tạo ra khi tôi là nhà tỷ phú” ở gallery Karton/Feuer, cỏ và cây mọc trong nhà được cô đặt vào những cái thùng để tạo ra một địa hình thành thị mơ hồ. Băng qua Đại Tây Dương, tại nhà Kunsthallen Brandts ở Odense, Đan Mạch, bậc thầy xây dựng Jessika Stockholder đã hoàn tất tác phẩm gồm những căn nhà màu xanh lá (nhưng không có cây), những cái chảo lá nhôm và ánh sáng bức xạ.
PHOEBE WASHBURN. Nó tạo ra cho tình trạng tỷ phú của tôi . Cây cối mọc rễ giữa những mảnh ván
Không hề có ý định tạo ra một trào lưu, những nghệ sĩ này đang tạo ra một loại hình Nghệ thuật Sắp đặt ngổn ngang, gom góp nhiều đối tượng, đầy ám ảnh. Loại hình này rất khó trong việc xây dựng và cũng là một thử thách trong việc góp nhặt.
Rõ ràng nghệ thuật này cần đến kích thước và tỷ lệ của kiến trúc, như tác phẩm “Merzbau” của Kurt Schwitters. Từ “merzbau” phát xuất từ tiếng Đức, do Hannover, người theo trường phái Dada tạo ra để chỉ thương mại và xây dựng.
Nhưng Schwitter lại sử dụng nó để chỉ từ “gesamtkunstwerk”, có nghĩa là “tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn”. Tác phẩm được ông xây dựng trong nhà mình từ đầu những năm 1920 và không ngừng đắp đổi cho đến khi ông rời nước vào năm 1937.
Nó mọc từ bức tường này sang bức tường khác, từ sàn nhà đến trần nhà, hình thành lên cái mà ông gọi là hang động, cho đến khi nó chọc thủng mái nhà. Tác phẩm là sự tập hợp những bức tranh, bộ sưu tập, những cái ly chứa chất lỏng trong cơ thể và vô số những vật khác.
Khi Hannah Hosch làm mất chìa khóa cũng là sự đóng góp thêm chiếc chìa khóa vào tác phẩm Merzbau.
PIERRE HUYGHE. Chuyến đi không thành, 2005. Tại Wollman Rink trong công viên Trung tâm
“Merzbau” của Schwitter đã bị bom phá hủy trong thế chiến thứ 2, nhưng linh hồn của nó vẫn sống tới ngày nay trong những sắp đặt khó hiểu được tạo ra bằng những vật dụng hàng ngày.
Lynne Cooke, nhà tổ chức triển lãm sắp đặt cho Stockholder năm 1995 tại Dia Center for the Arts – New York, nói: “Những nghệ sĩ như Jessica và Sarah không tạo ra những bài tường thuật quan trọng hay những bài bình luận sâu sắc về môi trường chúng ta đang sống, mà họ chia sẻ một cơn bốc đồng đầy chất thơ và trữ tình”.
Những cơn bốc đồng này cũng làm cho họ khác với những nghệ sĩ sắp đặt Châu Âu như Thomas Hinschhorn, Jonathan Meese và Graham Hudson, những người có sức công kích mạnh hơn.
Những tác phẩm của các nghệ si Châu Âu mang tính chính trị sâu sắc và tồn tại lâu hơn.
Đối với thế hệ ngày nay, mọi đồ vật để làm sắp đặt ta có thể thấy bất cứ ở đâu, từ kho xưởng cho đến vật dụng trong căn hộ.
Vậy, những nghệ sĩ này có nghĩ những sắp đặt của họ mang tính tái sinh? Wasburn đồng ý với quan điểm này, vì cô thích tái sử dụng những miếng ván ép từ công trình này sang công trình khác.
Hầu hết những thứ trong sắp đặt của Stockholder có thể tìm thấy ở kho đồ dùng trong nhà, như máy giặt, bóng đèn, dây nối. Thực chất, Stockholder, Sze, Washburn và Becket đều được mô tả như có một khiếu thẩm mỹ về kho chứa đồ dùng trong nhà.
Mặc dù những tác phẩm của họ có hình thức khác nhau, nhưng cũng thấy được khuynh hướng trong việc tập hợp những nguồn vật liệu hay công cụ xây dựng.
Và hầu hết họ đều có những trải nghiệm trong việc sử dụng gỗ hay xây dựng cơ bản, đủ để xây dựng lên một cấu trúc chắc chắn, chỉnh tề.
Ở đây xuất hiện câu hỏi: Phải chăng những tác phẩm nữ tính của họ mang một hành động giễu cợt đối với cái thú sửa chữa đồ dùng trong nhà của đàn ông.
PATRICIA PICCININI. Không tách rời. 2004. Những con quái vật làm bằng sillicone và lông như giễu cợt sự tiến hóa
NHỮNG CON CHIM CÁNH CỤT, NHỮNG LỜI NÓI DỐI VÀ BĂNG VIDEO. Những cuốn băng video phim tài liệu mang tính giễu cợt đã xóa mờ ranh giới sự thật và giả tưởng là tiêu đề và lời dẫn bài viết của CARLY BERWICK, bài thứ 3 trong loạt bài này.
Vào một đêm mưa sũng nước ở New York mùa thu năm ngoái, hàng trăm người đã tụ tập xem “Chuyến đi không thành” của nghệ sĩ người Pháp Pierre Huyghe, tái tạo lại chuyến đi của ông tới Nam Cực để tìm loài cánh cụt trắng.
Họ tập trung ở công viên trung tâm Wollman Rink, nơi đã được biến đổi thành một quang cảnh thời tiền sử đẫm hơi nước với đá và mặt nước đen. Khán giả được hướng dẫn hành động một cách tự nhiên, hạ dù xuống khi màn trình diễn bắt đầu.
Sương mù cuộn xoáy trên mặt nước như một dàn nhạc chơi trên một sân khấu nổi. Sau nhiều phút, một con chim cánh cụt đột ngột xuất hiện thấp thoáng trên những tảng đá trong màn sương.
Mặc dù hình ảnh con chim cánh cụt có thể được thấy rõ ràng hay không thì sự kiện này cũng như một cuộc phiêu lưu đích thực cho những người thưởng thức nghệ thuật.
Huyghe là một trong những nhà lãnh đạo những nghệ sĩ sử dụng phim ảnh và những phóng sự trong phim theo lối truyền thống, biểu diễn “ngay ranh giới mập mờ giữa sự thật và giả tưởng”.
Chrissie Iles, phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ ở New York nhận định rằng những tác phẩm của họ có nhiều liên quan đến những thành công trong lịch sử điện ảnh của thế kỷ, hơn là nghệ thuật video trên nền trình diễn những năm 1970.
Lần đầu tiên, giải thưởng Whitney Biennial lại có tựa đề “Ngày dành cho đêm”, giống tựa đề phim của Francois Truffaut năm 1973 (do chính tác giả đóng vai chính) về một đạo diễn phim giả tưởng.
Chương trình này bao gồm việc khám phá hay biểu diễn với những quy luật truyền thống của cách làm phim, cách kể chuyện – như lối tường thuật trôi chảy và nghệ thuật phối cảnh gây ảo giác.
“Ngày nay, người ta biết rằng mọi thứ đều có thể điều khiển bằng tay. Hơn bao giờ hết, ý thức về cái thật và cái không thật cùng tồn tại trong nền văn hóa”. Cùng lúc với thành công của các nhà làm phim tài liệu, những nghệ sĩ như Huyghe cho tới Douglas Gordon, Walid Raad Dang sử dụng phim và video để thăm dò khoảng trống giữa hiện thực và sáng tạo.
Sự xóa mờ ranh giới giữa sự thật và giả tưởng, cho phép nghệ sĩ bình luận với thế giới những sự kiện theo cách ít tranh cãi hơn.
Năm 1999, Raad, nghệ sĩ người Lebanon, sống ở New York, thành lập dự án “Nhóm Atlas”, đưa ra những tác phẩm làm méo mó lịch sử và những câu chuyện đã bị chôn vùi ra ánh sáng.
Trong sắp đặt “Con tin, những cuộn băng của Bachar” (2001), con tin người Lebanon tên là Souheil Bachar được đặt vào trong một câu chuyện phóng sự về 5 người Mỹ bị bắt ở Beirut giữa những năm 1980.
Tên và hình ảnh của Bachar xuất hiện cùng lúc với những người Mỹ trong bản tin tức gốc đã bị sửa đổi. Raad nói: “Những câu chuyện đưa ra lời phán quyết cho những trải nghiệm này có thể là những điều hoàn toàn tưởng tượng, nhưng khả năng tưởng tượng lại đòi hỏi phải dựa trên sự thật”.
Những trải nghiệm gây ít tổn thương hơn, như là một chuyến đi, có thể thực hơn khi tưởng tượng lại những dẫn chứng tư liệu giả tưởng. Bản video của Patty Chang “Shangri-La” (2005) sẽ được trình chiếu ở Bảo tàng nghệ thuật đương đại tại Chicago mùa hè năm nay.
Mở đầu như một cuốn video nghỉ hè của một khách du lịch, nhưng sau đó dần dần trở nên đặc biệt: Người nghệ si đi vào một thị trấn Trung Quốc ở Zhongdian, gần Tibe, mà sau đó đã được đổi tên thành Shangri-La sau khi tiểu thuyết “Chân trời bị mất” (1933) của James Hilton nói về thiên đường Himalaya giả tưởng xuất bản.
Cảnh núi của thị trấn rất kỳ lạ, và hình ảnh lập đi lập lại của dãy núi lồng ghép với sự xuất hiện của Chang như là sự pha trộn giữa thực tại và tưởng tượng. Trong cuốn video này, Chang đã nhờ những công nhân địa phương dựng lên những dãy núi và một mô hình đỉnh núi bằng ván ép bóng để có thể phản chiếu phong cảnh chung quanh.
Cô đã đặt làm một cái bánh trang trí với những trái núi và quay phim những nhà sư đang khám phá những cục đá giả trồi lên ở trung tâm một khách sạn của Trung Quốc. Chang nói: “Bản video tự nó có thể là một tài liệu và ý tưởng của việc du hành để thực sự thấy điều gì đó. Tuy nhiên tính chất không thật của nó vẫn dần dần lộ ra”.
Ormer Fast cũng thích thú tham gia những chuyến du hành để khám phá sự xung đột giữa những câu chuyện hư cấu và sự thật.
Bản video “Thành phố của Chúa” (2004) được dựa trên những cuộc phỏng vấn những nam diễn viên tiếng tăm ở Colomal Williamsburg, Virgin, sau đó ông cắt và nối lại tạo thành những câu chuyện mới. “Tôi rất thích những chỗ mà sự thật được để lại và đồng hóa vào nghệ thuật trình diễn”.
Trong phần âm thanh của một đoạn, nó không còn rõ nữa để nhận ra người được phỏng vấn, người đang nói chuyện về quá trình làm dân quân, là một nhà cách mạng thế kỷ 18 hay thế kỷ 21. “Thành phố của Chúa” gần đây được chiếu ở gallery Posmasters – New York.
Cho bản video “Danh sách của Spielberg” (2003), Fast đã tới Krakow, Ba Lan, và những địa phương đã được sử dụng trong phim “Danh sách Schindler” (1993) của Steven Speilberg, những nơi trở thành đích đến cho khách du lịch Mỹ.
Fast đã phỏng vấn những người dân địa phương đã tham gia trong bộ phim, nhưng bản video không đủ rõ để nhận diện họ là những diễn viên hay những người sống sót từ nạn diệt chủng. Fast nói: “Điều đó đã khuyến khích sự cảm nhận mới và sự thực mới.
Khi mà mọi người tới để xem những cái còn lại của lịch sử cũng là để xem những cái mà bộ phim để lại. Những cuộc đời thật đã được thay thế bằng những điều giả tưởng”.
Bài tiếp theo của KAY LARSON với tựa đề
NHỮNG BIẾN THỂ ĐẸP, nói về một khuynh hướng mà theo tác giả là: “Vừa dễ chịu, vừa buồn, vừa tình cảm lại gây ác cảm, vừa dễ thương lại vừa đáng ghét, đó là trường phái kiểu cách hậu hiện đại”.
Nhà sử học nghệ thuật Walter Fredlander, đầu thế kỷ 20, đã định nghĩa trường phái Kiểu Cách như là một phần mở rộng của phong cách Phục Hưng cao hơn – và là một sự tiến triển khỏi sự cân bằng và vẻ duyên dáng của nó.
Tính đa cảm, sự méo mó, sự biến mất của tính cân xứng, sự phóng đại quá đáng hay không tự nhiên, và sự bồn chồn, lo lắng – là những dấu hiệu của chủ nghĩa chống cổ điển xuất hiện ở thế kỷ XVI.
Sự bất tuân với lý tưởng cổ điển đối với những thứ “được kiểu cách hóa“ ngày nay có vẻ thân thuộc với công chúng thưởng thức nghệ thuật. Sự cân bằng về mặt hình thức của chủ nghĩa hiện đại những năm 1950 và chủ nghĩa chống tính đa cảm của nghệ thuật Pop giai đoạn đầu đã tiến triển thành nghệ thuật đỉnh cao, mà ta có thể gọi là chủ nghĩa Kiểu Cách hậu hiện đại.
Marthew Barney đã đeo tai dê, những thứ nhái lại và những dòng chữ điệp khúc trong phim và trình diễn của ông. Damien Hirst thì mang cả lò sát sinh vào gallery, và Patricia Piecinini mang những chi tiết tương tự từ phim E.T, Chiến tranh giữa các vì sao, Chúa tể những chiếc nhẫn, và những thứ đẹp đẽ của hãng Pixar để cho ta thấy những sinh vật có dòng họ với quái vật.
SHINIQUE SMITH. Không đề. 2005. Kết hợp thư pháp với các mảnh vải vụn trong máy giặt tự động
Chính xác thì sự rối loạn cảm xúc kết hợp với Chủ nghĩa Kiểu Cách đã mang phong thái của nghệ thuật Baroque, hay trường phái Kiểu Cách đương đại chuyển dần thành trường phái Baroque đương đại. Đối với Paul Schimmel, người phụ trách bảo tàng nghệ thuật đương đại Los Angeles thì nghệ thuật của Barney có những quan điểm tương tự như Mike Kelly và Paul McCathy, trong sự kết hợp đa thành phần của nghệ thuật trình diễn, video, nhiếp ảnh và sắp đặt.
Màn trình diễn gần đây của McCathy tại gallery Whitechapel ở London gồm có một tàu hộ tống, một nhà trên sông và một cuốn phim bị dập nát, tất cả dựa trên hành trình “Những tên cướp biển Caribbean“ tại Disneyland. Mùa hè này, ông sẽ có một cuộc triển lãm về quá trình làm việc của mình tại Moderna Museet ở Stockholm.
Theo như Schimmel thì “Cả 3 nghệ sĩ này đều sử dụng những yếu tố trong tranh biếm họa và sự phóng đại“. Phức hợp sắp đặt, trình diễn của họ có một vẻ hoành tráng mà họ kết hợp được từ nhạc kịch.
Cùng một lúc, họ sử dụng một bản nhạc giao hưởng, một đội hợp xướng và những ca sĩ riêng biệt; một bài tường thuật; đó luôn luôn là cái phức tạp và thử thách nhất của nghệ thuật.
Nhưng lịch sử nghệ thuật Kiểu Cách và nghệ thuật Baroque không giống nhau, cả những chủ đề tương tự cùng thời cũng khác nhau.
Trong lịch sử nghệ thuật Baroque, những ám ảnh trần tục với ruột rà, sự tử vì đạo, những hình dáng đa cảm (như cách phối hợp sáng tối của Caravaggio) đã chuyển tải cái nhựa sống đầy bi kịch nhưng cũng đồng thời mang tính lạc quan.
Những bộ phận cơ thể và ý nghĩa xúc cảm của chúng, hiện đang là chủ đề yêu thích cho nhiều nghệ sĩ – Louise Bourgeois đã khai thác lĩnh vực này được nhiều năm. Trong những bức tranh mới nhất của Sue William tại gallery 303 ở New York, những hình dáng với những đường nét lưu loát, tao nhã đang ranh mãnh rùng mình để chuyển thành những thành phần cơ thể, như đang đánh thức những cơn rung động cảm xúc đầy quyến rũ nơi người xem.
Đặc điểm của trường phái Kiểu cách trái ngược lại, có tính chất nhân tạo, màu sắc kỳ dị, sự nén không gian bất hợp lý, và một mối bất an vượt qua khỏi cái vẻ tự nhiên hời hợt. Trường phái Kiểu Cách nhấn mạnh đến sự khéo léo của cách diễn tả cảm xúc.
Nhà phụ trách Norman Kleeblatt của bảo tàng Jewish tại New York: “Tôi thấy tính chất tiêu khiển khi xem những tác phẩm của trường phái Kiểu cách, tôi nghĩ đó là sự gắn kết với nghệ thuật đương đại“. Ông ta định nghĩa trường phái Kiểu Cách như là “một phương thức, kỹ xảo về nhận thức hay hình thức”.
Vào cuối những năm 1980, Mike Kelly đã viết về những diện mạo khác của trường phái Kiểu Cách: “Run rẩy, châm biếm, khoa trương, hay mối quan hệ của sự chuyển tải mối bất an với nền văn hóa phổ biến”.
Trường phái Kiểu Cách hậu Pop có thể thấy rõ trong tính chất nhân tạo và bất an của những câu chuyện kỳ dị về loài thú của Piccinini, gây sự chú ý quốc tế tại giải thưởng Venice Biennale 2003.
Peccinini không những lôi cuốn chiến lược chiếm hữu văn hóa mà còn về cái nhìn và cảm giác của những thiên anh hùng ca của nền điện ảnh hiện thời. Tính chất tự nhiên hời hợt của những sinh vật bằng silicone của cô – da nhăn, loang đốm, móng chân dài – buộc người xem phải nhận diện lại.
Đáng khinh, đáng ghét, sần sùi, những sinh vật này mang những cảm xúc cố ý: vừa ghê tởm vừa dễ thương, vừa dễ chịu vừa buồn. Những biến dị của Darwin như là trò đùa cho sự phát triển và cho nỗi sợ hãi của chúng ta đối với hiểm họa của trật tự tự nhiên.
Dù gì thì tính chất nhân tạo đã được cố ý tạo ra để phù hợp với nỗi bất an không tên nói chung. Đối với Kiki Smith sự tự nhận thức là điều quan trọng cho trường phái Kiểu Cách. “Nó có những khía cạnh tình cảm và hồi ức.
Tôi luôn nhìn lại những thứ trong quá khứ, làm đẹp thêm và tái định hình cho chúng… nó luôn là những thứ quen thuộc cần được nhìn lại, vì thế nó có sức sống”.
Yinka shonibare thì đang xem xét tính chất thực dân qua những chất vải vóc, đồ vật Châu Phi, hay điêu khắc gia người Canada David Altmeid đang tạo ra vẻ đẹp từ ma chó sói, tất cả đều từ hình thức văn hóa xa xưa.
Cái chân dung bằng sứ của Kim Simonsson thể hiện một mối lo lắng đang dày vò dưới cái bề mặt dễ thương của truyện tranh và hoạt hình Nhật.
NGHỆ THUẬT ĐƯỜNG PHỐ. “Hình, chữ vẽ trên tường, nhạc hip-hop, ván trượt với vẻ gan góc, quyến rũ của chúng đang tiến vào các gallery”. Đó là nhận định của REBECCA SPENCE trong bài thứ 5 này.
“Tôi muốn có một cái nhìn về văn hóa Pop”, nghệ sĩ 34 tuổi Mickalene Thomas đã diễn giải như vậy khi cô gắn những viên đá Swarovski và đá thạch anh vào những bức tranh khổ lớn của mình về những phụ nữ da đen.
Thomas là một trong những nghệ sĩ tìm cảm hứng trong cái gai góc và hấp dẫn của văn hóa thành thị. Nikkis Lee tự chụp hình mình như một siêu sao nhạc hip-hop. Ryan McGinners tạo ra những bức tranh nhiều lớp với những hình ảnh nhỏ xíu của những tay trượt ván, và những hình vẽ trên tường và ván ép chung quanh thành phố New York.
Và thế là bảo tàng và các gallery bắt đầu chú ý tới hiện tượng này. Có những buổi biểu diễn liên tục như “Những kẻ thất bại xinh đẹp: Nghệ thuật đương đại và văn hóa đường phố“ khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Cincinnati tháng 3-2004; với những tác phẩm của McGinnes, Brian Donelly, Shepard Fairy, Barry McGee và Tobin Yelland.
Hoặc “Tiếng bản xứ mới: Pop, tranh chân dung, tạp chí giật gân và khiêu dâm“ tại gallery Steve Turner ở Beverly Hills, và “Nghệ thuật đường phố, cuộc sống đường phố” đã được lên kế hoạch khai mạc tại Bảo tàng Nghệ thuật Bronx đầu năm 2008.
Nghệ thuật graffiti (vẽ trên tường), nhạc hip-hop, trượt ván – đã từng bị loại ra khỏi lề xã hội – nay đang tiến vào dòng chảy chính, và nghệ thuật đương đại thì đang phản chiếu sự thay đổi đó.
Lydia Yee, người phụ trách Bảo tàng Bronx và là nhà tổ chức “Nghệ thuật đường phố, cuộc sống đường phố“, giải thích: ”Internet và các phương tiện truyền thông đã đưa những nền văn hóa địa phương ít được biết đến tới gần với lượng khán giả đông đảo hơn”.
KEHINDE WILEY mang phong cách hip – hop vào một tranh mẫu của ingres “Napoleon đang tiến quân vượt qua dãy Alps“, 2005
Ta có thể so sánh với trường hợp của những nghệ si như Jean – Michel Basquait và Keit Haring đầu những năm 1980, từ những nghệ sĩ vẽ trên tường trở thành những siêu sao của thế giới nghệ thuật.
Nhưng đối với Yee thì Nghệ thuật Trình diễn của Vito Acconi và Valie Export cuối những năm 1960 cũng đã định hình trước khuynh hướng này. “Lúc đó họ đã muốn tìm một con đường liên kết với khán giả trực tiếp hơn và bỏ qua những cấu trúc nghệ thuật hàn lâm.
Tôi nghĩ những nghệ sĩ trẻ hơn cũng lấy những đề tài đường phố với lý do này”. Nghệ sĩ New York Shinique Smith, truy tìm những nghiên cứu nghệ thuật của mình với gốc rễ thành thị ở Baltimore, nơi cô viết, vẽ trên tường với nhóm bạn của mình.
Tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Maryland, cô đã bắt đầu kết hợp những nghiên cứu thời trẻ với nghệ thuật viết chữ Nhật Bản để tạo ra hình thức viết “giống như một loại hình viết chữ trên tường rất tự do, với nhiều lớp chồng lên nhau, và rất khó đọc ngay cả đối với những nghệ si graffiti chuyên viết vẽ trên tường“. Cô đã vẽ trực tiếp lên những bức tường của bảo tàng và gallery và tạo ra những bức tranh bằng giấy 3 chiều.
Với diện mạo tác phẩm có tính nghi thức và tâm linh, nghệ thuật của cô là những kết hợp mang tính lập đi lập lại, như sự khẳng định nhịp điệu làm nền cho âm nhạc hip-hop.
Trong bức tranh màu đen và bạc “Tôi là tôi, tôi đi đến nơi tôi phải đi“ (2002), Smith đã kết hợp lời bài hát của ban nhạc Beastie Boys với những đoạn văn trong kinh thánh – mặc dù câu duy nhất hiểu được, có sự tương đồng với tiếng Ả Rập cổ có nghĩa là “tôi là”.
“Điều quan trọng là hình thức của những từ này tạo thành một phức hợp, và sức mạnh bùng nổ từ đó“. Sắp đặt “Bale Variant # 006” (2005) của Smith lấy cảm hứng từ cách sử dụng và hủy bỏ vật chất của những đường phố chật hẹp, chen chúc với máy móc.
Người phụ trách Sirman coi việc sử dụng những vật liệu của Smith và Thomas trong “Neo Vernacular“ như “thức ăn tâm hồn”. “Đó là khả năng tạo ra một thứ gì đó từ không có gì, hay bất cứ thứ gì có trong tay”.
Không giống như Smith mang đường phố vào trong nghệ thuật, nghệ sĩ Nam Phi Robin Rhode lại mang nghệ thuật ra đường phố. Ông vẽ phác bằng than những vật hàng ngày như ván trượt, ca đựng nước, xe đạp rồi diễn với chúng, chẳng hạn như trượt ván trong loạt tranh “Board” (2003).
Tương tự, David Hammons sử dụng sân bóng rổ ở Brooklyn và Harlem cho loạt sắp đặt “Những bàn thắng cao hơn” giữa những năm 1980. Rhode sử dụng không gian đô thị ngoài trời như bãi đậu xe, sân chơi để làm sân khấu cho trình diễn của mình.
Trong “Người vũ nữ thoát y“ (2004), một phim hoạt hình kết hợp với những bức ảnh dài 2 phút, Rhode mặc quần đen bóng như nhựa, mũ đen, giầy Nike trắng, ông cạo hình mới vẽ bằng than trên tường trắng (như ngụ ý đang lột trần). Tương tự, ông làm với hình cửa sổ, cửa chính, cho đến khi chỉ còn lại một khối màu trắng và cũng là tấm toan vẽ của ông.
McGee đã từng viết chữ lên tường trong suốt những năm niên thiếu ở San Francisco, đến nay vẫn bám theo những cột đèn, lề đường với những chủ đề đa dạng. Sắp đặt “Không đề” (2004) của McGee là một bức tường thể hiện một bàn cờ với những hình chữ nhật nhiều màu. Đứng trước bức tường là một mannequin có lắp động cơ, mang hình ảnh người bạn – cộng sự của ông – Josh Lazcano đang vẽ bằng sơn xịt.
PHẠM VĂN ĐỨC dịch