Nhà Trần (1226-1400) là một trong những triều đại phong kiến rực rỡ và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, từng cùng nhân dân 3 lần đánh thắng quân Nguyên – Mông.
Không những vậy, công lao nổi bật của nhà Trần là xây dựng đất nước đưa Nho giáo và Đạo giáo vào nước ta, cùng hàng loạt cải cách phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự, giáo dục. Trải qua 175 năm trị vì với 12 đời vua và 7 năm thời Hậu Trần với 2 đời vua, các vua nhà Trần đa phần đều là những con người tài hoa, anh minh và yêu nước thương dân, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nếu bạn chưa biết 12 vị vua nhà Trần gồm những ai. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lịch sử cuộc đời các vị vua nhà Trần nhé!
Nhà Trần thành lập vào năm nào?
Trước khi đến với cuộc đời của 12 vị vua nhà Trần, chúng ta cần tìm hiểu nhà Trần thành lập vào năm nào và trong hoàn cảnh nào. Lấy bối cảnh vào cuối thế kỉ XII khi nhà Lý suy yếu. Các thế lực phong kiến nổi dậy chống lại triều đình. Nhà Lý phải dựa vào thế lực họ Trần để chống lại các lực lượng nổi loạn. Nhà Trần khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1226 sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi.
Những năm đầu tiên, Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tông thất vai chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ nắm quyền, chính Trần Thủ Độ đã âm thầm ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu mình.
Trong giai đoạn nắm quyền, nhà Trần đóng đô ở Thăng Long – kinh đô triều cũ, tiếp tục phát triển sự hưng thịnh có từ đời nhà Lý. Các vị vua nhà Trần mở rộng bộ máy chính quyền hoàn thiện hơn so với nhà Lý. Tạo nên một hệ thống đặc biệt đó là các Hoàng đế sẽ lui về làm Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho Thái tử. Nhưng vẫn cùng vị Hoàng đế mới điều hành chính sự. Việc này được nhiều người đánh giá tích cực, khi ngôi Hoàng đế được xác định sớm thì sẽ tránh được việc tranh giành ngôi vua như nhà Lý trước đó. Hơn nữa, vị vua sẽ có điều kiện được làm quen, rèn luyện và tiếp xúc với việc cai trị cho đến khi trưởng thành.
Nhà Trần tồn tại 175 năm và trải qua 12 đời vua (1225 – 1400). Các vị vua nhà Trần gồm có:
- Trần Thái Tông (1225-1258)
- Trần Thánh Tông (1258-1272)
- Trần Nhân Tông (1278-1293)
- Trần Anh Tông (1293-1314)
- Trần Minh Tông (1314-1329)
- Trần Hiến Tông (1329-1341)
- Trần Dụ Tông (1341-1369)
- Trần Nghệ Tông (1370-1372)
- Trần Duệ Tông (1372-1377)
- Trần Phế Đế (1377-1388)
- Trần Thuận Tông ( 1388-1398)
- Trần Thiếu Đế (1398-1400)
- Trần Ngỗi – Giản Định Đế (1407-1409) (Nhà Hậu Trần)
- 2. Trần Quý Khoáng – Trùng Quang Đế (? – 1414) (Nhà Hậu Trần)
Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn lịch sử nhà Trần, bạn hãy tham khảo bài viết:Nhà Trần ra đời trong hoàn cảnh nào? Tóm tắt lịch sử nhà Trần nhé!
Tóm tắt lịch sử 12 vị vua nhà Trần (1225 – 1400)
Trần Thái Tông (1225-1258)
- Niên hiệu: Kiến Trung 建中
- Tên đầy đủ: tên thật là Trần Bồ (陳蒲), sau đổi thành Trần Cảnh (陳煚) hoặc Trần Nhật Cảnh (陳日煚)
- Ngày sinh: Ngày 9 tháng 7 năm 1218
- Năm lên ngôi: Ngày 10 tháng 1 năm 1226
- Thời gian trị vì: 18 năm (1226 – 1258).
- Ngày mất: Ngày 5 tháng 5 năm 1277.
Vua Trần Thái Tông là vị vua đầu triều nhà Trần và cũng chính là người đã đặt nền móng cho một triều đại lừng lẫy trong lịch sử. Dưới bàn tay của tướng Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng ban chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức chồng mình). Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu 1225, Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung.
Vua Trần Thái Tông (9/7/1218 – 5/5/1277) có tên huý là Trần Cảnh, con trai thứ của Trần Thừa. Lên ngôi khi chỉ mới 8 tuổi nhưng Trần Thái Tông đã tạo nên một sự nghiệp huy hoàng trong cả lĩnh vực quân sự, lẫn chính trị và kinh tế thời bấy giờ.
Thành tựu sự nghiệp vua Trần Thái Tông
Chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông lần I
Trong thời gian tại vị, vua Trần Thái Tông đã tiến hành cho ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Năm 1288, dưới sự lãnh đạo của Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn, quân và dân ta đã toàn thắng trong cuộc chiến xâm lược Nguyên – Mông lần thứ nhất. Chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258) là thành tựu nổi bật nhất trong thời vua Trần Thái Tông và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, cổ vũ mạnh mẽ cả dân tộc thừa thắng xông lên, đập tan những cuộc xâm lược mới của quân thù với quy mô ngày càng to lớn và ác liệt hơn.
Người viết sử đầu tiên của Việt Nam
Về quản lý hành chính, ông chia nước Đại Việt ra làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt quan cai trị là An phủ sứ. Về học vấn, năm Nhâm Thìn (1232) mở khoa thi Thái Học Sinh (thi Tiến Sĩ). Đến năm 1247 đặt Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Khoa thi này có Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn và là người viết sử đầu tiên ở nước ta.
Một trong những người đặt nền móng cho nền Phật giáo nước nhà
Về tôn giáo, khi lui về làm Thái Thượng Hoàng, Trần Thái Tông dành hết tâm huyết và thời gian cho việc nghiên cứu Phật pháp, sớm rõ “việc lớn” nhà thiền, trở thành một trong những cư sĩ uyên thâm trác việt bậc nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đối với sự ra đời thiền phái Trúc Lâm của dân tộc do cháu ông, tức vua Trần Nhân Tông xây dựng sau này.
Trần Thái Tông đã để lại rất nhiều tác phẩm Phật học có giá trị lớn, khoáng đạt khí chất nhà thiền, như Thiền Tông Chỉ Nam, Kim Cương Tam-muội Kinh Chú Giải, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, Bình Đẳng Lễ Sám Văn, Khóa Hư Lục, Thi Tập
Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng và được tôn làm Thái Thượng hoàng. Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu – 1277, Trần Thái Tông qua đời, hưởng thọ 60 tuổi và có 33 năm trị vì dân tộc.
2. Trần Thánh Tông (1258-1272)
- Niên hiệu: Thiệu Long 紹隆
- Tên đầy đủ: Trần Hoảng (陳晃)
- Ngày sinh: Ngày 12 tháng 10 năm 1240
- Năm lên ngôi: Ngày 10 tháng 1 năm 1226
- Thời gian trị vì: 21 năm (1258-1272)
- Ngày mất: 3 tháng 7 năm 1290.
Trần Thánh Tông là vị vua thứ hai trong các vị vua nhà Trần. Ông được sử sách ca ngợi là một vị vua nhân hậu, luôn hòa thuận với anh em trong hoàng gia và giữ vững cơ nghiệp của triều đại.
Trần Thánh Tông tên thật là Trần Hoảng, con trưởng của Thái Tông và Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái hậu Lý Thị. Ông sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý 1240. Trần Hoảng được vua cha truyền ngôi và chính thức lên ngôi hoàng đế vào 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ 1258, lấy niên hiệu là Thiệu Long.
Thành tựu sự nghiệp vua Trần Thái Tông
Vị vua yêu nước thương dân
Được ca ngợi là vị vua nhân từ độ lượng, thương dân và hết lòng chăm lo việc nước, Trần Thánh Tông đã cho khai hoang, lập điền trang giúp dân nghèo an cư lạc nghiệp. Nhà vua thực hiện nhiều chính sách khuyến học bằng cách mở các khoa thi để chọn nhân tài.
Đối nội: vua Trần Thái Tông khuyến khích khai khẩn đất hoang, mở rộng điền trang thái ấp bằng cách chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc, giúp họ an cư lập nghiệp. Việc học hành cũng được nhà vua khuyến khích bằng cách mở khoa thi để lựa chọn nhân tài mà trọng dụng.
Đối ngoại: lúc này nhà Nguyên đã thôn tính xong toàn bộ Trung Quốc của nhà Tống và đang chuẩn bị thôn tính Đại Việt. Chúng sai sứ sang phong vương cho vua Trần Thánh Tông và bắt nước ta cứ ba năm một lần cống nạp. Vua Trần Thái Tông đã thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự và nền độc lập cho Tổ quốc. Mặt khác, nhà vua rất quan tâm đến việc tập luyện quân sĩ, tích trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần hai.
Lãnh đạo kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần II
Trong thời gian làm Thái thượng hoàng, ông đã cùng với Trần Nhân Tông lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Ngày 25 tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 6 (tức 3 tháng 7 năm 1290), Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời tại cung Nhân Thọ. Trần Thánh Tông làm vua trong 21 năm, làm Thượng hoàng 12 năm, hưởng thọ 51 tuổi, được táng ở Dụ Lăng – phủ Long Hưng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay)
3.Trần Nhân Tông (1278-1293)
- Niên hiệu: Trùng Hưng 重興
- Tên đầy đủ: Trần Khâm (陳昑)
- Ngày sinh: Ngày 7 tháng 12 năm 1258
- Năm lên ngôi: Ngày 1 tháng Giêng năm Kỷ Mão 1279
- Thời gian trị vì: 15 năm 1278-1293))
- Ngày mất: Ngày 16 tháng 12 năm 1308.
Trong suốt 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm, để lại một di sản văn hóa kỳ vĩ như vua Trần Nhân Tông.
Trần Nhân Tông tên huý là Trần Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và bà Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu. Ông sinh ngày 11 tháng 11 Mậu Ngọ 1258. Ông được truyền ngôi báu vào ngày 1 tháng Giêng năm Kỷ Mão 1279, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo.
Thành tựu sự nghiệp vua Nhân Tông
Tham gia lãnh đạo hai cuộc chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược
Trong các vị vua nhà Trần thì Trần Nhân tông là vị vua phải trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên cam go nhất lịch sử. Giặc nguyên Mông xâm lược Đại Việt vào năm 1282 ngài chủ trì hội nghị Bình than lấy ý kiến của toàn quân, toàn dân đại việt, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Khi đó ngài là người trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng quân Nguyên – Mông 1285 và 1288.
Sau khi thành công đánh đuổi giặc ngoại xâm thì xã tắc thanh bình, dân chúng an cư lập nghiệp, ngài có nhiều chính sách để phát triển kinh tế, chính sách hòa giải khi ngài đã xóa bỏ mọi lỗi lầm trước đó của các quần thần, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Nền văn học và chữ viết Việt Nam phát triển dưới thời vua Trần Nhân Tông
Ông là vị vua hoà nhã, quyết đoán, hết lòng vì dân vì nước. Trong thời gian Nhân Tông ở ngôi, nền văn học cũng rất hưng thịnh, tiêu biểu như bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, thơ của Trần Quang Khải và Phạm Ngũ Lão. Đặc biệt, có quan Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên là người khởi đầu dùng chữ nôm thơ phú. Nguyễn Thuyên quê ở Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương, có tiếng tài làm thơ như ông Hàn Dũ bên nước Tuỳ Quốc ngày xưa, bởi vậy vua cho đổi họ là Hàn (Hàn Thuyên). Về sau, người Việt theo lối ấy mà làm thơ, gọi là thơ Hàn luật.
Về đối ngoại, lúc bấy giờ sứ nhà Nguyên hay sang hạch sách. Nhờ có Thượng hoàng Trần Thánh Tông trông coi mọi việc và các quan trong triều đình nhiều người có tài trí, vua Trần Nhân Tông lại thông minh, quyết đoán, người trong nước thì từ vua tới dân đều thống nhất một lòng. Cho nên từ năm 1285 đến năm 1288, hai lần quân Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta đều bị đánh bại.
Hình ảnh Vua – Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong tác phẩm Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ.Năm 1288, nhà vua cùng quân và dân ta trải qua cuộc chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ 3. Sau 14 năm ở ngôi vua, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng. Về sau, nhà vua đi tu và trở thành Thủy tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời tại am Ngoạ Vân núi Yên Tử (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), thọ 51 tuổi (1258 – 1308)
4. Trần Anh Tông (1293-1314)
- Niên hiệu:Hưng Long 興隆
- Tên đầy đủ: Trần Thuyên (陳烇)
- Ngày sinh: Ngày 25 tháng 10 năm 1276
- Năm lên ngôi: Tháng 4 năm 1293
- Thời gian trị vì: 21 năm (1293 – 1314)
- Ngày mất: Ngày 21 tháng 4 năm 1320.
Vua Trần Anh Tông có tên huý là Trần Thuyên, con trưởng của vua Trần Nhân Tông và bà Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu.
Năm 1293, Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Trần Anh Tông. Trong sử cũ ca ngợi vua Trần Anh tông là một người anh minh, việc học hành mở mang rộng rãi biết lắng nghe ý kiến của cha, đồng thời biết dùng nhân tài như Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật…
Thành tựu sự nghiệp vua Trần Anh Tông
Cũng như cha mình, nhà vua là một Phật tử mộ đạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Các vua Trần trước thời Anh Tông đều hành giả Thiền Tông, nhưng đến thời vua Anh Tông thì Mật Tông đã bắt đầu du nhập nhiều vào giới Phật tử Đại Việt, kể cả nhà vua. Năm 1318, ông đã thỉnh cầu Ban Đế Đa Ô Sa Thấy Lợi một văn bản Phật giáo Mật Tông. Ông cũng là một thi sĩ thích làm thơ. Tác phẩm “Thủy vân tùy bút” của Trần Anh Tông gồm hai cuốn, trong đó có nhiều bức họa có thơ đề. Tuy nhiên, ông đã đốt tập thơ này trước khi qua đời. Nay tác phẩm này chỉ còn lại 12 bài chép trong “Việt âm thi tập”
Trong thời gian vua Trần Anh Tông trị vị, đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Ông đã có công đánh bại các cuộc xâm chiếm lãnh thổ của Ai Lao ở phía Tây, ngăn chặn sự xâm lấn của người Nguyên ở phía Bắc. Về đối ngoại, sau khi dẹp được quân Nguyên Mông, phía bắc được yên, nhưng ở phía tây nam, quân Ai Lao (Lào) thường sang quấy nhiễu mạn Thanh Hoá, Nghệ An. Vua Trần Anh Tông sai tướng quân Phạm Ngũ Lão đi đánh ba, bốn lần cho nên phía Thanh – Nghệ mới được yên.
Trần Anh Tông là người đã bãi bỏ một số tục lệ như lấy chàm vẽ rồng vào đùi vua hay tục lệ hôn nhân nội tộc của nhà Trần đã tồn tại nhằm để duy trì kín nòi giống dòng tộc nhà Trần và mở mang bờ cõi Đại Việt ở phía Nam. Đối với nước Chăm Pa, năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa là Chế Mân. Chế Mân dâng lại châu Ô và châu Lư. Vua Trần đổi là Thuận Châu và Thuận Hoá.
Năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho thái tử Mạnh, kết thúc thời gian trị vì 21 năm, Ông mất năm 1320, hưởng dương 44 tuổi (1276 – 1320), ông được an táng Thái lăng ở Yên Sinh.
5. Trần Minh Tông (1314-1329)
- Niên hiệu: Đại Khánh (大慶)
- Tên đầy đủ: Trần Mạnh (陳奣)
- Ngày sinh: Ngày 4 tháng 10 năm 1300
- Năm lên ngôi: Ngày 3 tháng 4 năm 1314
- Thời gian trị vì: 15 năm (1314-1329)
- Ngày mất: Ngày 10 tháng 3 năm 1357.
Dưới thời vua Minh Tông, nước ta có nhiều tướng tài như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài,…
Trần Minh Tông là vị vua thứ 5 nhà Trần. Vua Trần Minh Tông tên húy là Trần Mạnh, con thứ 4 của vua Trần Anh Tông và Chiêu Hiền hoàng thái hậu Trần Thị. Ông sinh vào năm Canh Tý 1300 và lên ngôi khi mới 14 tuổi. Cũng như cha mình, nhà vua là người nhân hậu và có tầm lòng yêu nước thương dân.
Thành tựu sự nghiệp vua Trần Minh Tông
Dưới triều vua Trần Minh Tông, đất nước tương đối yên ổn. Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua rất quan tâm đến đê điều. Năm 1315, nước sông lên to, nhà vua thân chinh đi xem và kiểm tra việc đắp đê. Năm Ất Mão (1315), vua Trần Minh Tông ra lệnh cấm người trong họ thưa kiện nhau. Nhà vua xuống chiếu: Nếu ai tranh nhau ruộng đất, khám xét ra không phải là của mình mà cố tranh bậy thì tính số tiền về giá ruộng đất ấy bắt phải bồi thường lại gấp đôi. Nếu làm văn khế giả mạo thì chặt một ngón tay bên trái… Năm Bính Thìn (1316), nhà vua duyệt định cấp bậc các quan văn võ, rồi cấp cho số hộ nhân khẩu nhiều ít khác nhau. Các năm Giáp Dần (1314), Quý Hợi (1323), triều đình mở khoa thi Thái học sinh để chọn nhân tài cho đất nước, nhờ vậy quan lại có nhiều người rất có năng lực.
Trần Minh Tông vốn là ông vua có lòng nhân từ nhưng chỉ vì nghe nịnh thần đã giết oan Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn là người có nhiều công lao với nước. Trần Quốc Chẩn là thân sinh Hiển Từ Tuyên Thánh hoàng hậu và có công đi đánh Chiêm Thành thắng trận mấy lần. Khi ấy vua Trần Minh Tông ở ngôi vua được 15 năm, tuổi đã cao mà chưa lập thái tử. Triều thần phân làm hai phái, một phái có Văn Hiến hầu và Trần Khắc Chung xin lập hoàng tử Vượng là con bà thứ Ninh từ Hoàng Thái phi Lê Thị làm thái tử, còn một phía thì có Trần Quốc Chẩn xin chờ cho hoàng hậu có con trai sẽ lập thái tử. Sau đó, Văn Hiến hầu đem của đút lót cho gia thần của Trần Quốc Chẩn là Trần Phẫu 100 lạng vàng, xui vu cáo cho Trần Quốc Chẩn làm mưu phản. Trần Minh Tông bắt Quốc Chẩn đem giam ở chùa Tư Phúc. Trần Khắc Chung xin vua trừ Trần Quốc Chẩn đi. Nhà vua nghe lời ấy, không cho Trần Quốc Chẩn ăn uống gì, đến nỗi khát nước quá, hoàng hậu phải lấy áo nhúng nước rồi mặc vào vắt ra cho uống. Uống xong thì chết. Sau này ông mới được giải oan.
Năm 1329, nhà vua nhường ngôi cho thái tử Vượng (tức Trần Hiến Tông) và lui về làm thái thượng hoàng. Tuy nhiên, việc triều chính ông vẫn chăm lo. Trần Hiến Tông vì bệnh chết sớm, em trai Trần Hạo (Trần Dụ Tông) nối ngôi, thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn cùng con lo việc nước, đi đánh trận.
Vua Trần Minh Tông mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ 58 tuổi. Trần Minh Tông là một vị vua đã tiếp nối làm rạng rỡ cho cơ nghiệp nhà Trần, giữ cho đất nước được bình yên và bên ngoài đều thu phục.
6. Trần Hiến Tông (1329-1341)
- Niên hiệu:Khai Hựu (開祐)
- Tên đầy đủ: Trần Vượng(陳旺)
- Ngày sinh: Ngày 17 tháng 5, 1319
- Năm lên ngôi: Ngày 7 tháng 2, năm 1329
- Thời gian trị vì: 13 năm (1329 – 1341)
- Ngày mất: Ngày 11 tháng 6, 1341.
Trần Hiến Tông (sinh 17 tháng 5, 1319 – 11 tháng 6, 1341) , là vị vua thứ 6 của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì trong 13 năm (1329 – 1341).
Trần Hiến Tông hoàng đế tên húy là Trần Vượng, là con trưởng của Minh Tông Duệ Hiếu hoàng đế, mẹ là Minh Từ Quý phi Lê thị. Tuy là con đầu lòng của Minh Tông, nhưng do mẹ là phi tần nên xét về chính danh ông vẫn chỉ là con thứ. Ngày 7 tháng 2, năm 1329, Hoàng đế Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử. Ông lên ngôi, tự xưng Triết Hoàng, đặt niên hiệu là Khai Hựu. Ông được cho là hoàng đế bù nhìn, do khi lên ngôi còn nhỏ, quyền hành thực tế ở cả trong tay Thượng hoàng, cho nên tuy có trị vì 13 năm nhưng Trần Hiến Tông không được tự chủ việc gì cả.
Thành tựu sự nghiệp vua Trần Hiến Tống
Dưới triều Trần Hiến Tông, biên giới phía Bắc và phía Nam tương đối ổn định. Trong vòng 10 năm, nhà Nguyên có hai lần sứ giả sang Đại Việt vào các năm Tân Mùi (1331), Ất Hợi (1335), để thông báo hoàng đế mới lên ngôi và nhà Trần đã cho người sang chúc mừng.
Thời gian trị vì của Hiến Tông, nhà Trần không tổ chức khoa thi nào để chọn nhân tài. Vào năm Đinh Sửu (1337), có xuống chiếu cho các quan trong triều cũng như ngoài các lộ, hàng năm xét những thuộc viên do mình quản lý, người nào siêng năng cẩn thận thì giữ lại, còn người nào không làm được thì truất bỏ.
Từ năm Quý Dậu (1333) đến năm Mậu Dần (1338) chỉ trong vòng 6 năm, đã có nhiều thiên tai lớn xảy ra như lụt lội, bão gió, động đất. Vì vậy Trần Hiến Tông hạ lệnh cho các nơi lập kho lượng chứa thóc thuế để kịp thời cấp cho dân đói.
Về Văn hoá và một số ngành khoa học như thiên văn, lịch pháp, y học vào thời gian này cũng có những thành tựu đáng kể. Dưới triều Trần Hiến Tông có Hậu nghi đài lang, Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ người huyện Sơn Minh (Ứng Hoà, Hà Nội) đã chế ra một dụng cụ xét nghiệm khí tượng gọi là Lung Linh nghi, khi khảo nghiệm không việc gì là không đúng.
Năm Khai Hựu thứ 13 (1341), ngày 11 tháng 6, ông qua đời, thọ 22 tuổi. Miếu hiệu là Hiến Tông, thụy hiệu là Thể Nguyên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu Hoàng Đế. Lăng của ông là An lăng.
Sau khi ông qua đời, Thượng hoàng Minh Tông chọn người con thứ của Hiến Từ hoàng hậu, Trần Hạo, làm người kế vị. ưử gọi là Trần Dụ Tông.
7. Trần Dụ Tông (1341-1369)
- Niên hiệu: Thiệu Phong (1341 – 1357) và Đại Trị (1358 – 1369).
- Tên đầy đủ: Trần Hạo (陳暭)
- Ngày sinh: Ngày 19 tháng 10 năm 1336
- Năm lên ngôi: Ngày 21 tháng 8 năm 1341
- Thời gian trị vì: 28 năm (1341 – 1369)
- Ngày mất: Ngày 25 tháng 5 năm 1369.
Trong 175 năm tồn tại (1225 – 1400), nhà Trần đã để lại một di sản to lớn, độc đáo trên các mặt quân sự, kinh tế, chính trị xã hội, văn hoá giáo dục… đưa nước Đại Việt lên một tầm cao mới. Trần Dụ Tông là một trong số 14 vị vua nhà Trần đã có công đóng góp đáng kể vào văn hóa Trần.
Trần Dụ Tông là con thứ 10 của vua Trần Minh Tông, do Hiến Từ hoàng hậu sinh ra. Do Hiến Tông không có con nên Thượng hoàng Trần Minh Tông lập Hoàng tử Hạo lên làm vua. Ngày 21 tháng 8 năm Tân Tỵ 1341, Trần Hạo lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Dụ Hoàng, đổi niên hiệu là Thiệu Phong năm thứ nhất. Các quan trong triều đình dâng tôn hiệu là Thống Thiên Thế Đạo Nhân Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Lúc này Trần Dụ Tông mới lên 6 tuổi.
Thành tựu sự nghiệp vua Trần Dụ Tông
Là một Hoàng tử, Trần Dụ Tông được nuôi dạy chu đáo, có điều kiện phát triển trí tuệ. Từ nhỏ ông đã có tư chất thông minh hơn người, lớn lên càng thông tuệ, học vấn cao minh, giỏi cả văn và võ. Năm 13 tuổi Trần Dụ Tông lấy công chúa Ý Từ là con gái thứ tư của Bình Chương Huệ Túc vương sách phong làm Nghi Thánh Hoàng hậu. Dưới thời Trần Dụ Tông, nhiều nhân tài đã được trọng dụng như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Trong thời kỳ đầu làm vua, Trần Dụ Tông do đã biết trọng dụng nhân tài nên mặc dù đất nước gặp rất nhiều khó khăn vẫn duy trì được nề nếp chính sự.
Về việc võ, Trần Dụ Tông ý thức thường xuyên cảnh giác kẻ thù xảo quyệt và tàn bạo phương Bắc, chăm lo việc phòng thủ biên giới Tây Nam, tăng cường củng cố quốc phòng như tổ chức đóng chiến thuyền, chế tạo vũ khí, luyện tập binh sĩ, bố trí các quan có năng lực đảm đương nhiệm vụ ở những nơi xung yếu, cử binh chinh phạt Chiêm Thành…
Về ngoại giao, Trần Dụ Tông duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, vì mục đích hoà bình cho đất nước. Trần Dụ Tông vẫn dùng chính sách ngoại giao mềm dẻo, sai Phạm Sư Mạnh đi biện bạch nhằm gìn giữ hòa bình.
Về đối nội, Trần Dụ Tông quan tâm cải tổ chính quyền, quân đội, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Các biện pháp cải cách trên đây của Trần Dụ Tông đã có tác dụng tăng cường sức mạnh quốc phòng và bộ máy quản lý nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, mở mang kinh tế nông nghiệp…Không chỉ quan tâm tới việc hoàn chỉnh luật pháp để điều chỉnh xã hội, Trần Dụ Tông còn quan tâm tới đời sống dân nghèo. Mỗi khi đất nước gặp thiên tai, mất mùa, đói kém… vua đều có những chính sách kịp thời cứu trợ nhân dân như giảm tô thuế các năm: 1343, 1354, 1362…
Về văn hoá, Trần Dụ Tông được coi là người đặt nền móng cho một số môn nghệ thuật dân tộc như tuồng cổ, một số trò chơi dân gian như leo dây, múa rối…
Trần Dụ Tông là một tác gia văn học thời Trần. Hiện nay các tác phẩm của Trần Dụ Tông như Hoàng triều đại điển, Hình thư và các sáng tác văn thơ khác của ông đều đã thất lạc. Trong Toàn Việt thi lục chỉ còn ghi được một bài thơ của Trần Dụ Tông là bài Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông (có sách chép là Thư hoài).
8. Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)
- Niên hiệu: Thiệu Khánh 紹慶
- Tên đầy đủ:Trần Phủ (陳暊)
- Ngày sinh: Ngày 20 tháng 12 năm 1321
- Năm lên ngôi: Ngày 21 tháng 8 năm 1341
- Thời gian trị vì: 2 năm (1370–1372)
- Ngày mất: Ngày 6 tháng 1 năm 1395.
Trần Huệ Tông (hay Trần Nghệ Tông) có tên húy là Trần Phủ, con trai thứ ba của vua Trần Minh Tông và thứ phi họ Lê. Cuối thời vua Dụ Tông, triều đình nhiều bất ổn cũng là lúc ông lên ngôi. Trần Nghệ Tông là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Trần. Ông cũng là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, tuy là Thái thượng hoàng nhưng chỉ là anh chứ không phải là cha của nhà vua như các bậc tiền triều khác.
Trần Nghệ Tông được xem là vị vua nhu nhược, việc gì cũng để cho người ngoại thích là Lê Quý Ly quyết đoán. Lê Quý Ly có hai người cô lấy vua Trần Minh Tông. Một người sinh ra vua Trần nghệ Tông, một người sinh ra Trần Kính (sau là vua Trần Duệ Tông). Vì thế, Lê Qúy Ly được vua Trần Nghệ Tông tin dùng lắm, phong cho làm khu mật viện đại sứ, sau gia phong làm Trung Tuyên quốc Thượng hầu.
Làm vua được 3 năm, đến năm Nhâm Tư (1372), Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính, rồi lui về phủ Thiên Trường làm Thượng hoàng được 22 năm thì mất, thọ 74 tuổi (1321 – 1394).
9. Trần Duệ Tông (1372 – 1377)
- Niên hiệu: Long Khánh (隆慶)
- Tên đầy đủ: Trần Kính (陳曔)
- Ngày sinh: Ngày 30 tháng 6 năm 1337
- Năm lên ngôi: 1372
- Thời gian trị vì: 4 năm (1372–1377)
- Ngày mất: Ngày 4 tháng 3 năm 1377.
Trần Duệ Tông có tên thật là Trần Kính, là con thứ mười một của vua Trần Minh Tông. Ông lên ngôi năm 37 tuổi, trở thành vị vua thứ 9 của nhà Trần.
Tuy Trần Duệ Tông lên ngôi, nhưng quyền bính vẫn ở trong tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Trong nước, năm Giáp Dần (1374) mở khoa thi Tiến sĩ (trước là thi Thái Học Sinh, giờ đổi là thi Tiến Sĩ). Dù chỉ ở ngôi 4 năm, thời gian trị vì vua Trần Duệ Tông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về tài năng, sự trong sạch, thanh liêm của đội ngũ quan lại và lòng quả cảm, ý thức tự lập, tự cường và thuần phong mỹ tục của dân tộc Đại Việt.
Sau khi lên ngôi, vua Trần Duệ Tông chủ trương chọn người thực tài phục vụ quốc gia, không coi đề cao yếu tố tôn thất. Những nho sĩ thời đó như Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, Thám hoa Trần Đình Thám… đều xuất thân từ bình dân và rất được coi trọng.
Về ngoại giao, năm Bính Thìn (1376), quân nước Chiêm Thành lại sang quấy phá ở Hoá Châu, vua Huệ Tông tự mình thân chinh, đem 12 vạn quân đi đánh Chiêm Thành nhưng thua cuộc và bị tử trận.
Sau cái chết của ông, những người kế vị đều tỏ ra nhu nhược, triều đình ngày càng hỗn loạn. Vua Trần Nghệ Tông vốn hoàn toàn dựa vào ông, nay phải dựa vào Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly), kẻ quyền thần nắm quyền thao túng triều chính và sau này này đã làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp nhà Trần.
Có một điều không thể phủ nhận, cái chết của vua Duệ Tông là một bước ngoặt lịch sử lớn đối với nhà Trần, và thậm chí là cả tiến trình lịch sử của dân tộc.
Trần Duệ Tông ở ngôi 5 năm, thọ 41 tuổi (1337 – 1377).
10. Trần Phế Đế (1377-1388)
- Niên hiệu: Xương Phù (昌符)
- Tên đầy đủ:Trần Hiện (陳晛)
- Ngày sinh: Ngày 6 tháng 3 năm 1361
- Năm lên ngôi: 1377
- Thời gian trị vì: 10 năm (1377–1388)
- Ngày mất: Ngày6 tháng 12 năm 1388.
Vua Trần Phế Đế, sinh ngày 6-3-1361, lên ngôi năm 16 tuổi, làm vua 12 năm, thọ 28 tuổi. Trần Phế Đế là vị vua thứ 10 của triều đại nhà Trần, trị vì đất nước Đại Việt trong 12 năm. Đó cũng là giai đoạn lịch sử Đại Việt gặp nhiều biến động, nhà Trần đi vào con đường suy vi.
Trần Phế Đế tên húy là Trần Hiệu, là con trưởng của vua Trần Duệ Tông và Gia Từ hoàng hậu Lê Thị. Ông sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu 1361 và lên ngôi khi vua cha tử trận trong cuộc chiến trên đất phương Nam.
Trong các vị vua nhà Trần, Trần Phế Đế là vị vua không làm được gì cho đất nước. Trần Phế Đế là vị vua u mê và đẩy uy quyền uy về tay Hồ Quý Ly. Trong nước bấy giờ dân tình đói khổ, thuế má ngày càng nặng. ở ngoài bờ cơi thì quân Chiêm Thành vào phá phách; nhà Minh thường cho sứ đi lại sách nhiễu thường xuyên. Năm Giáp Tư (1384), Minh Thành Tổ đòi ta phải cống cây quý, phải nộp lương thực, chủ ý là để xem tình thế nước Đại Việt ra sao. Vì lẽ đó, năm 1388, thượng hoàng Trần Nghệ Tông giáng Trần Phế Đế xuống làm Linh Đức Đại Vương và bắt thắt cổ chết sau đó. Trần Phế Đế, vua thứ 10 của dòng họ Trần đã không tiếp tục được truyền thống của ông cha mình.
11. Trần Thuận Tông (1388-1398)
- Niên hiệu: Quang Thái (光泰)
- Tên đầy đủ: Trần Ngung (陳顒)
- Ngày sinh: 1377
- Năm lên ngôi: 1388
- Thời gian trị vì: 10 năm (1388-1398)
- Ngày mất: Ngày 30 tháng 4 năm 1400.
Tên huý là Trần Ngung, là vị Vua thứ 11 nhà Trần và là con út của Trần Nghệ Tông. Trần Thuận Tông ở ngôi vua được 10 năm. Tuy ở ngôi vua nhưng mọi quyền bính trong triều đình đều do Lê Quý Ly sắp đặt. Bên ngoài thì nhân dân nổi lên làm loạn. Về ngoại giao, quân Chiêm Thành vẫn sang cướp phá. Quân ta dưới sự chỉ huy của Trần Khắc Chân đã đánh bại quân Chiêm Thành, giết được vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga.
Ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất – 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly lên làm phụ chính Thái sư, thâu tóm toàn bộ quyền bính để dễ đường cướp ngôi vua. Hồ Quý Ly quyết định dời đô vào Thanh Hoá, xây thành Tây Đô ( ở động An Tôn, Vĩnh Lộc).
Tháng 11 năm 1397 Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông phải dời kinh về Tây Đô.
12. Trần Thiếu Đế (1398-1400)
- Niên hiệu: Kiến Tân (建新)
- Tên húy: An
- Ngày sinh: 1396
- Năm lên ngôi: 1388
- Thời gian trị vì: 2 năm (1398-1400)
- Ngày mất: Chưa rõ
Triều Trần kể từ Trần Thái Tông Đến Trần Thiếu Đế là 12 đời vua, trị vì được 175 năm.
Trần Thiếu Đế là vị vua cuối cùng của nhà Trần. Trần Thiếu Đế tên húy là Trần Án,là con trưởng của vua Trần Thuận Tông, mẹ là Khâm Thánh hoàng hậu Thánh Ngâu (con gái lớn của Hồ Quý Ly). Trần Thiếu Đế sinh năm 1396, lên ngôi tháng 3 năm Mậu Dần (1398) lúc mới chỉ có 3 tuổi.
Ngay trong khi Thiếu Đế đang ở ngôi, năm 1399, Quý Ly tự xưng là Quốc tổ Chương hoàng đế ra vào dùng 12 lọng vàng; con thứ là Hán Thương xưng Nhiếp Thái phó, con cả là Hồ Nguyên Trừng làm tư đồ. Tình hình Đại Việt lúc này càng thêm hỗn độn. Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), vua Thiếu Đế bị ép nhường ngôi. Hồ Quý Ly sai tông thất nhà Trần và quần thần phải 3 lần dâng biểu khuyên mới chịu nhận làm vua. Quý Ly lên ngôi đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, lại đổi lại họ cũ của mình là họ Lê thành họ Hồ.
Thiếu Đế bị phế nhưng vì là cháu của Hồ Quý Ly nên không bị giết, chỉ bị giáng xuống làm Bảo Ninh Đại vương. Sau này nhà Minh đem quân sang tiêu diệt nhà Hồ số phận của ông không rõ. Như vậy, Triều đại nhà Trần kết thúc vào năm 1400, tức năm Canh Thìn sau 175 trị vì với 12 đời vua.
2 vị vua nhà Hậu Trần và 7 năm khôi phục vương triều Trần
Tháng 6 năm Đinh Hợi 1407 cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ bị thất bại, nhà Minh lập ách đô hộ trên đất nước ta. Vương triều nhà Hồ tuy bị thất bại, nhưng nhân dân ta không chịu làm nô lệ, đã đứng lên chống nhà Minh ở khắp mọi nơi, ở những vùng quân nhà Minh chưa chiếm được, nhân dân ta tổ chức lực lượng vũ trang chống lại các cuộc tấn công của địch.
Tháng 10 năm 1407, một đội quân nhà Minh tiến lên Cao Bằng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân địa phương. Đặc biệt là thắng 11 năm đó, cuộc khởi nghĩa do Trần Ngỗi cầm đầu đã nổ ra tại Yên Mô (Ninh Bình), sau đó rút vào Nghệ An. Trần Ngỗi tự xưng là Giản Định Đế, đặt niên hiệu là Ninh Khánh, mục tiêu của cuộc khởi nghiã nhằm đánh bại quân nhà Minh xâm lược nước ta, khôi phục độc lập, đồng thời khôi phục lại vương triều nhà Trần.
1. Trần Ngỗi – Giản Định Đế (1407-1409)
Trần Ngỗi đã lên làm vua, lập nên nhà Hậu trần, và trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Hậu Trần tồn tại được 7 năm (1407 – 1414), trong 7 năm đó, nhà Hậu Trần truyền nối được hai đời đế vương.
Giản Định Đế, tên húy là Trần Ngỗi, không rõ năm sinh, năm mất. Trần Ngỗi vốn thuộc dòng dõi nhà Trần, thân sinh là vua Trần Nghệ Tông (1321 – 1395).
Giản Định đế là vị vua duy nhất trong lịch sử tự mình đánh trống trận đốc chiến phá giặc. Trong trận đánh giữa quân Hậu Trần và quân Minh vào ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý (1408) tại bến Bô Cô (nay thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, Nam Định), Giản Định Đế đã tự mình cầm dùi đánh trống đốc chiến khiến quân lính được tăng thêm sĩ khí, ra sức chiến đấu và giành thắng lợi lớn.
2. Trần Quý Khoáng – Trùng Quang Đế (? – 1414)
Trần Quý Khoáng hay Trùng Quang Đế là vị hoàng đế thứ hai được nhà Hậu Trần lập ra để chống cự sự đô hộ của nhà Minh sau năm 1407. Ông là con của Trang Định Vương Trần Ngạc, và là cháu nội vua Trần Nghệ Tông. Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly được Nghệ Tông tin tưởng nên nắm hết đại quyền trong triều.Năm năm sau lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Hồ.
Năm 1414, Trùng Quang Đế bị áp giải về Yên Kinh, nhưng vì trong muốn làm tù binh phương Bắc mà chịu nhục nên ổng đã nhảy xuống sông tự vẫn. Thấy vua chết các hạ thần cũng nhảy theo ông. Vương triều nhà Trần khép lại, mở ra một cánh cửa đen tối và tàn ác với sự cai trị và đồng hóa của quân Minh trong thời gian dài.
Trên đây là tóm tắt lịch sử cuộc đời các vị vua nhà Trần kéo dài từ năm 1225 đến năm 1414 . Các vị vua nhà Trần là những người đã kiến tạo nên một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử nước Nam, là nơi duy nhất trên thế giới ba lần đánh bại quân Nguyên Mông, một triều đại rực rỡ với những vị vua kiệt xuất và tài ba, mang tinh thần hào khí Đông A.
Nguồn: twinkl