Ký họa là vẽ, ghi nhanh, thậm chí rất nhanh để kịp giữ lại cái thần thái của nhân vật hay của đối tượng mình sáng tác, bởi nếu khoảnh khắc ấy qua đi, cái thần khó mà tìm lại được. Vì vậy, các họa sỹ đã dùng thủ pháp ký họa để phác thảo mẫu nhân vật rồi sắp xếp lại thành bố cục. Đây được xem là một bước rất quan trọng trong quá trình hoàn thành một tác phẩm.
Ký họa là cách vẽ nhanh đối tượng bằng những đường nét giản lược. Điều khó nhất của thể loại này là trong thời gian ngắn, những nét vẽ đơn giản nhưng phải toát lên đặc trưng, “cái hồn” của bức tranh.
Phải mất rất nhiều công sức và phải đi nhiều nơi để tìm nguồn cảm hứng, những sinh viên ngành Mỹ thuật hay thiết kế đồ họa luôn phải chăm chú quan sát từng cảnh vật và bắt tay thực hiện tác phẩm của mình. Ký họa giúp tăng khả năng quan sát và thỏa sức sáng tạo. Những thứ xung quanh chúng ta đều rất đặc biệt nếu biết nhìn ngắm và cảm nhận.
Cái hồn của ký họa
Rất nhiều người thích xem tranh ký họa bởi tính chất sống động của nó. Những chỗ cần nhấn, những chỗ nên lược bỏ luôn được các họa sĩ chú trọng. Trước mỗi đối tượng, cảm xúc của mỗi người ít khi giống nhau.
Cùng ký họa về một khung cảnh chợ quê song có họa sĩ phác thảo ra bức tranh buồn tẻ, xơ xác, có họa sĩ lại khai thác khoảnh khắc nhộn nhịp tạo nên bức tranh có hoàn cảnh đầy sống động. Để thể hiện những tác phẩm ký họa của mình, người họa sĩ có thể tận dụng bút lông, màu nước, bút chì, bút sắt, bút bi, phấn màu, sáp màu, thậm chí than củi và cả gạch non…v.v
Vẽ nhanh và mang sự giản dị đặc trưng của tranh ký họa, vậy mà những nét vẽ của những họa sĩ vẫn rất có sức hấp dẫn đặc biệt thể hiện qua con mắt sắc sảo của người họa sĩ. Tuy nhiên, ẩn sau những tác phẩm ký họa, là sự rung động đặc biệt của tác giả. Những cảm xúc buồn, tiếc nuối, đau đáu sự đời được tác giả lưu lại trong những bức ký họa của mình.
Vẽ ký hoạ, đặc biệt là ký họa chân dung, thì khó nhất là làm sao toát lên được thần thái của mỗi người. Vì vậy, phải biết quan sát, tìm ra nét riêng trên gương mặt họ và quan trọng hơn là bắt được cái thần của gương mặt ấy.
Bộ sưu tập những bức ký họa 100 năm trước của sinh viên trường Mỹ Nghệ Gia Định
Đã gần 100 năm trôi qua, những tấm tranh Ký họa của những sinh viên trường Mỹ Nghệ Gia Định ngày ấy trở nên ngày càng đẹp hơn trong mắt người yêu mỹ thuật cả nước và thế giới. Với Mỹ thuật có lẽ không bao giờ có 2 chữ “lỗi thời”. Những cảnh ký họa sống động, hồn và chất nghệ thuật miêu tả lại cảnh sinh hoạt của đồng bào miền Tây Nam bộ, cảnh gánh hát rong Đờn ca tài tử 1 thế kỷ trước luôn mang lại say mê cho mọi giới.
Quầy hàng ăn vặt của những chị bán hàng người Huế. Đồ ăn vặt của Huế vẫn luôn nổi tiếng và hấp dẫn nhất.. Cái quầy hàng lưu động thật và đẹp. Có lẽ sinh viên đã ký họa tác phẩm này cũng rất tài giỏi, tỉ mỉ và cẩn thận.
Có lẽ Đờn ca tài tử là một nét văn hóa rất phổ thông 1 thế kỷ trước nên các họa sĩ ngày ấy thích ký họa về họ. Người xem có thể nhận thấy sự chắc chắn trong từng nét bút, họa sĩ đã lột tả được cái thần của nhân vật, sự lo toan, vất vả trong cuộc sống hiện lên qua bức ký họa. Vì vậy, ký họa được coi là nghệ thuật của khoảnh khắc, trong khoảnh khắc ấy luôn diễn ra một sự chắt lọc rất tinh tế.
Nhiều người ấn tượng với nghệ thuật ký họa qua những bản vẽ, thoạt nhìn qua thì người xem tưởng như nghuệch ngoạc chẳng có chút ý tưởng nhưng thực chất lại rất chi tiết từ bố cục đến đường nét.
1 bức tranh đẹp rất quan trọng từ khâu ký họa, người họa sỹ có thể ký họa trực tiếp hoặc ký họa gián tiếp thông qua ảnh được chụp lại hoặc qua người kể. Tuy nhiên, ký họa trực tiếp sẽ dễ bắt được cái hồn của đối tượng hơn, nhất là ký họa chân dung. Những sắc thái biểu cảm, cái thần của nhân vật, nếu họa sỹ ký họa lột tả được thì sẽ cho ra đời một tác phẩm thực sự ấn tượng và được công chúng đón nhận.
Không đi vào mảng ký họa chân dung, những họa sỹ ký họa về phong cảnh, về cuộc sống sinh hoạt của người dân thường vẽ nhanh phong cảnh bằng những đường nét giản lược, tuy nhiên những nét vẽ ấy không phải là cách vẽ theo cảm hứng hay mơ hồ mà đều có hồn và miêu tả được phong cảnh mà họa sĩ đang hướng tới.
Tuy rằng vẽ bằng bút chì đơn giản chỉ có 2 màu đen và trắng nhưng với bàn tay khéo léo, họa sĩ đã mang tới cho người xem những tác phẩm ký họa độc đáo và ấn tượng. Nhiều người nhận xét về tranh ký họa: tác phẩm gợi cho người xem nhiều liên tưởng nhưng điều dễ nhận ra nhất là nét giản dị, chân thực qua những thủ pháp bay bướm điêu luyện, và khả năng quan sát rất tinh tế của người họa sĩ.
Những tác phẩm ký họa đã chiếm được tình yêu của độc giả bởi sự bình dị của con người và cảnh vật trong đó. Cái tài tình của người họa sĩ là dùng những thủ pháp giản đơn nhất để thổi hồn và làm cho nó sống động không kém những tác phẩm rực rỡ khác.
Những gánh hàng ẩm thực thế này luôn rất cuốn hút khách trẻ tuổi. Bức tranh ký họa của sinh viên Gia Định xưa đã miêu tả được những hành động hét sức sống động và rất tự nhiên.
Ký họa, trong cảm nhận phổ thông là người chộp bắt khoảnh khắc, nhanh, ít nét. Ký họa có tác động tích cực tới tư duy thiết kế. Người vẽ có rất ít thời gian để ghi nhớ hình khối, màu sác, ánh sáng và vẽ. Điều này giúp người học có tư duy chọn lọc nhanh nhạy và cảm quan tinh tế trong thiết kế sản phẩm.
Người dân Sài Gòn luôn rất xem trọng Nho giáo, họ thờ cúng gia tiên rất kỹ lưỡng. Điều này có thể cảm nhận được qua tranh ký họa của sinh viên Gia Định thời đó.
Danh hoạ thuộc trường phái Tân Cổ điển của Pháp Jean-Auguste Dominque Ingres (1780 – 1867), một bậc thầy hình họa, từng nói: “Dessin (Ký họa) là sự trung thực của nghệ thuật.” Hơn 120 năm sau, một danh hoạ khác – Salvador Dalí (1904 – 1989) – đã nhắc lại lời của Ingres. Song hình như không mấy tin vào khả năng đọc hiểu của hậu sinh, ông đã nói thêm cho rõ như sau: “Dessin là sự trung thực của nghệ thuật. Ở đây không có chỗ cho gian lận. Chỉ có hay hoặc dở mà thôi” .
Sưu tầm